Bốc thăm chia thừa kế, pháp luật có thừa nhận?

(PLO) - Mâu thuẫn giữa chị dâu với em chồng, anh ruột nuốt lời nhường phần thừa kế mà mình được hưởng cho em, đòi chia bằng được di sản là quyền sử dụng đất theo hình thức bốc thăm.
Hình minh họa
Hình minh họa

Anh Đoàn An Phương (huyện Giồng Riềng – Kiên Giang) kể: Khi cha mẹ tôi còn sống, ông bà rất công bằng, coi con gái cũng như con trai, ai có gia đình ra ở riêng đều được chia một phần đất ruộng. Tôi cũng vậy, là con út trong gia đình, tuy ở chung với cha mẹ nhưng cũng được một phần như các anh chị em khác. Còn lại miếng đất vườn có mặt tiền đường liên xã 17m, cha mẹ tôi không đả động gì đến, nhưng trong thâm tâm mọi người đều hiểu, nó thuộc về tôi như tập quán của người dân Nam bộ “giàu út ăn, nghèo út chịu”. 

Sau khi cha mẹ lần lượt qua đời, 4 anh chị em đều thống nhất để lại cho vợ chồng tôi. Khi ấy, tôi cũng không nghĩ đến việc lập văn bản để sang tên từ cha mẹ qua cho mình. Hai năm sau đó, do mâu thuẫn giữa vợ tôi với vợ anh thứ ba, anh ấy đòi chia thừa kế phần của mình. Các anh chị em còn lại vẫn giữ đúng lời hứa, nhường quyền thừa kế lại cho tôi. Không còn cách nào khác, tôi phải nhượng bộ chia cho anh ấy một phần nằm ở ngoài cùng để cho miếng đất còn lại của tôi liền khoảnh.

Tuy nhiên, anh ấy không chịu và đòi chia đều làm 4 phần, anh ấy bốc thăm được phần nào thì lấy phần đó. Nghe thì có vẻ công bằng, nhưng theo cách chia này, hai trong bốn phần có dính đến ngôi nhà hiện tôi đang ở, chẳng may anh ấy bốc thăm vào một trong hai phần đó thì có phải khó cho tôi không. Vậy, yêu cầu của anh ấy có được pháp luật thừa nhận? 

Luật gia trả lời: Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp: Không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản...

Do vậy, tập quán của người dân Nam bộ “giàu út ăn, nghèo út chịu” sẽ không được áp dụng trong trường hợp này. 

Theo thứ tự, di sản của cha mẹ anh sẽ được chia theo hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế này được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo đó, 4 anh chị em của anh và ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại nếu còn sống sẽ được hưởng phần đất và phần giá trị của ngôi nhà bằng nhau.

Trước hết, anh có thể tổ chức một cuộc họp những người thừa kế lại để thoả thuận cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này và cách thức phân chia di sản bằng tiền hay bằng diện tích đất và vị trí đất. Thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản, nhưng vì thiện chí nhường toàn bộ miếng đất lại cho vợ chồng anh chỉ thể hiện bằng lời nói, nên thỏa thuận đó không được coi là hợp pháp.

Nếu đạt được thỏa thuận, anh chị em của anh và ông, bà (nếu có) phải làm thủ tục phân chia di sản thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế, mỗi người đều có quyền riêng đối với tài sản mà mình được hưởng. Vì vậy, trong văn bản thỏa thuận này, hai anh chị em của anh có quyền tặng cho toàn bộ phần di sản mà mình được hưởng cho anh. Riêng người anh thứ ba, có quyền thỏa thuận với anh về nhận phần được chia là quyền sử dụng đất (QSDĐ), hoặc giá trị QSDĐ và một phần của ngôi nhà, anh có quyền mua lại phần của người anh. 

Thủ tục phân chia di sản thừa kế được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng. Trên cơ sở căn cứ vào đơn yêu cầu và hồ sơ phân chia di sản thừa kế, công chứng viên sẽ ra thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất của cha mẹ anh để lại. Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có tranh chấp, khiếu nại gì, văn bản phân chia di sản thừa kế sẽ được lập. Việc còn lại là đăng ký sang tên QSDĐ theo quy định.

Nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh tranh chấp về thừa kế là mâu thuẫn giữa vợ của anh và chị dâu thứ ba. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là gia đình nên kiên trì hòa giải, hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở để hóa giải mâu thuẫn này.

Trường hợp hòa giải thành, kể cả thỏa thuận bốc thăm xác định vị trí đất, diện tích đất mỗi phần thừa kế thì pháp luật công nhận; nếu thương lượng hoặc hòa giải không thành, thì giải pháp cuối cùng là khởi kiện ra tòa để chia di sản thừa kế (thời hiệu 30 năm). 

Đọc thêm