“Buộc” trách nhiệm của doanh nghiệp với sinh kế của người dân

(PLO) - Đó là giải pháp được đưa ra tại Diễn đàn thường niên về phát triển dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức sáng qua (29/1) tại Hà Nội.
“Buộc” trách nhiệm của doanh nghiệp với sinh kế của người dân
Thực trạng cho thấy, tỉ lệ hộ nghèo ở vùng tái định cư các dự án thủy điện đang tăng cao do lời hứa “nơi ở mới phải hơn nơi cũ” đối với những hộ dân đã ưu tiên nhường đất cho các công trình thủy điện không được đảm bảo thực hiện. Đáng quan tâm là những hộ dân này phần lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vốn đã có nhiều khó khăn trong cuộc sống vì các chính sách giảm nghèo chưa “chạm” đến một cách đầy đủ… 
Lấy đất xong, bỏ mặc dân vật lộn tìm sinh kế
Cuộc sống khó khăn của người dân vùng thủy điện đã được nói đến nhiều năm nay ngay tại diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy cuộc sống của hầu hết các hộ dân tái định cư vùng thủy điện chưa thoát khỏi những khó khăn, nghiêm trọng nhất là vấn đề thiếu đất sản xuất hoặc đất tại nơi ở mới chất lượng quá thấp so với đất tại nơi ở cũ, thậm chí khô cằn, quá xa nguồn nước… Chính quyền các cấp thì lý giải là do tình trạng thiếu quỹ đất cho hoạt động nông nghiệp ở các khu tái định cư thủy điện. 
Nhưng điều khiến người dân bức xúc là suốt thời gian dài sau khi chuyển đến khu tái định cư, rất nhiều hộ dân không nhận được đất sản xuất làm họ mất sinh kế sau khi số tiền đền bù không còn, dẫn đến tình trạng đói nghèo ngày càng có xu hướng gia tăng như hệ lụy của “hậu các dự án thủy điện”. Chưa kể đến những hệ lụy xã hội do không có việc làm đối với cộng đồng những người di dân, tái định cư cho các dự án này, khi đa số người dân vùng tái định cư thủy điện là người dân tộc thiểu số.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, những bất cập trong cuộc sống của người dân tái định cư thủy điện một phần quan trọng là do họ không được tham gia vào các kế hoạch di dân, không được thông tin kịp thời, hiệu quả nên không nắm được vấn đề và các chính sách liên quan. Đa số các cuộc di dân chỉ được chính quyền và nhà đầu tư “thông báo cho dân biết, chứ không tham vấn ý kiến” khiến người dân tái định cư hoàn toàn bị động trước  cuộc sống ở nơi ở mới, phụ thuộc hoàn toàn vào phần hỗ trợ tái định cư.
Tuy nhiên, so với nhu cầu ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất của người dân tái định cư thì các hỗ trợ hậu tái định cư lại chỉ mang tính ngắn hạn với mức thấp, không phù hợp với thực tế và nếp sống của người dân. Vì thế, người dân tái định cư được tham gia các khóa tập huấn về trồng một số loại cây trồng, vật nuôi nhưng lại không thể áp dụng các kiến thức đó vào thực tiễn vì không phù hợp với điều kiện sinh sống và sản xuất.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư thường không thực hiện đầy đủ và đúng tiến độ những cam kết về đền bù, xây dựng hạ tầng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm… buộc người dân tái định cư phải “vật lộn với cuộc sống trong khi không có phương tiện sản xuất”. Như tại Thủy điện A Vương (huyện Đông Giang, Quảng Nam), mặc dù chủ đầu tư cam kết miễn  tiền điện cho người dân trong thời gian đầu chuyển đến nơi ở mới song đến nay  người dân vẫn phải trả khoản tiền này. Và ở một số công trình thủy điện khác, người  dân vẫn không có điện dù sống tại nơi “sinh ra điện”… 
Luật hóa cơ chế “chia sẻ lợi ích”
Nguyên nhân của thực trạng trên được các chuyên gia chỉ ra là do lợi ích của người dân vùng thủy điện chưa được “gắn  kết, chia sẻ” với lợi ích của doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án, công trình thủy điện. Vì thế, TS.Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong đề nghị, cơ chế “chia sẻ lợi ích” giữa người dân và doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện là giải pháp “gốc” để nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân di dân vùng thủy điện.
Quan điểm này cũng đã nhận được nhiều sự đồng thuận và thành các kiến nghị cụ thể như dùng doanh thu của các công trình thủy điện để tái đầu tư cho các cộng đồng bị ảnh hưởng như đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các chương trình phát triển ở địa phương. Ngoài ra, để có cơ sở thực hiện, một số ý kiến cho rằng cần “luật hóa” cơ chế này và có một cơ quan giám sát độc lập việc chủ đầu tư thực hiện các cam kết, lời hứa với người dân nhường đất mới đảm bảo quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng.
Còn ông Sơn Phước Hoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thừa nhận, các chính sách giảm nghèo gần như chưa đến được đầy đủ với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có vùng di dân thủy điện. Do đó, cần có kế hoạch hành động cụ thể triển khai các chính sách giảm nghèo đầy đủ, kịp thời, thiết thực đến các vùng có  đông  đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng di dân thủy điện nói riêng để thúc đẩy việc nâng cao đời sống, tránh tình trạng nghèo, tái nghèo cho người dân.

Đọc thêm