Trộm chó: Có bị xử lý hình sự?

(PLO) -  Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ trộm chó tại các địa phương trên địa bàn cả nước gây bức xúc đối với nhiều vùng quê.
Trộm chó: Có bị xử lý hình sự?
Thủ đoạn phạm tội của những tên “cẩu tặc’’ ngày càng tinh vi, trắng trợn và liều lĩnh dẫn đến nhiều trường hợp bị chết oan uổng do hành vi chống trả của chúng để thoát thân hoặc đẩy người bị mất chó và người dân tham gia đuổi bắt vào vòng lao lý khi họ quá bức xúc nên đã có những hành vi đánh trả “cẩu tặc” quá mức. Tuy nhiên, do chế tài xử lý đối với hành vi này còn quá nhẹ, chưa có tác dụng răn đe phòng ngừa nên nạn trộm chó vẫn ngang nhiên hoành hành ở khắp các địa phương trong cả nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn được hành vi trộm chó nhằm giảm thiểu nỗi lo lắng của người dân ở các vùng quê và thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật, có tác dụng răn đe và phòng ngừa trong việc phòng chống tội phạm nhằm bảo vệ trật tự trị an xã hội và cuộc sống bình yên của người dân.
Luật gia Hồng Hạnh (Tòa Dân sự TANDTC) chia sẻ: Thực tế ở nhiều địa phương khi phát hiện, bắt giữ được kẻ trộm chó, nhiều người dân đã phá tài sản của kẻ trộm chó (xe máy dùng để làm phương tiện phạm tội), đánh “hội đồng” gây ra thương tích và làm chết kẻ trộm chó. Cũng có trường hợp kẻ trộm chó chống trả bằng các hung khí mang theo như dao, súng tự chế… gây ra thương tích hoặc những cái chết thương tâm cho những người tham gia bắt trộm và hậu quả là họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 Vấn đề đặt ra là tại sao chỉ vì con chó mà có thể người tham gia bắt trộm hoặc kẻ trộm chó phải đổi bằng danh dự, thậm chí là tính mạng? Có lẽ ai cũng hiểu việc đánh kẻ trộm chó là hành vi chính đáng mặc dù giá trị kinh tế không lớn, nhưng do hành vi này diễn ra thường xuyên, công khai và liên tục tạo ra sự búc xúc, phẫn nộ và thách thức đối với người dân, gây mất trật tự an ninh ở địa phương. Để bảo vệ tài sản, người dân đã phải bỏ ra nhiều công sức theo dõi, rình rập trong một thời gian dài, khi bắt được kẻ trộm chó thì họ “chút giận” vào kẻ trộm chó là điều dễ hiểu. Nhưng không ai nghĩ rằng khi đánh kẻ trộm, mình lại phải vào tù. Tuy nhiên, việc đánh bị thương hay đánh chết, thậm chí chỉ phá tài sản của kẻ trộm cũng là vi phạm pháp luật và bị xử lý. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất đối với người dân trong hoàn cảnh này là hãy bình tĩnh và biết kiềm chế, tránh việc bắt và tự xử kẻ trộm, hãy đưa kẻ trộm chó đến cơ quan pháp luật giải quyết, đừng chỉ vì thiếu hiểu biết mà vô tình rơi vào tình thế phạm tội.
Hành vi trộm chó không những bị xã hội lên án mà còn là nguyên nhân gây ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, như: Vụ 3 thanh niên tham gia đuổi bắt kẻ trộm chó bị chết thương tâm ở TP.Hồ Chí Minh, vụ đánh “hội đồng” kẻ trộm chó ở Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa… Điều này đã cho thấy trộm chó không chỉ là hành vi trộm cắp đơn thuần mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ trọng án khác, nó không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn tạo ra nguy cơ bạo hành và bất tuân  pháp luật mang tính tập thể, gây ra mầm mống bất ổn ở nhiều vùng quê. Do đó, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải có nhiều biện pháp phối hợp giải quyết và pháp luật phải có chế tài xử phạt nghiêm nhằm chấm dứt tình trạng này. 
Thực trạng cho thấy do con chó có giá trị kinh tế không lớn, trên dưới 1 triệu đồng, trong khi đó theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội “Trộm cắp tài sản’’ thì người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Như vậy, những kẻ trộm bị bắt lần đầu tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng, không gây hậu quả nghiêm trọng thì thoát trách nhiệm hình sự và trên thực tế, phần lớn những kẻ trộm chó nếu bị bắt cũng chỉ bị phạt hành chính nên chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với những kẻ trộm chó có tính chất chuyên nghiệp, do đó xử phạt hành chính chỉ là liều thuốc đã nhờn, không có tác dụng. 
Nhìn lại một số vụ việc gây hậu quả chết người liên quan đến hành vi trộm chó được đưa ra xét xử trong thời gian qua cho thấy, những nguy cơ tiềm ẩn rất lớn vẫn tiếp tục có thể xảy ra nếu như tình trạng trộm chó không được ngăn chặn. Để giải quyết tận gốc vấn đề thì phải tiến hành sửa đổi, bổ sung BLHS theo hướng quy định bổ sung hành vi trộm chó là tình tiết đặc biệt của tội trộm cắp tài sản và không cần giá trị con chó đến 2 triệu đồng cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời kiểm soát chặt chẽ cũng như xử lý nghiêm minh trong việc tiêu thụ thịt chó để ngăn chặn nguồn cung cấp bất minh. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng người dân bắt rồi tự xử kẻ trộm, dẫn đến cả hai bên cùng vướng vòng lao lý hoặc thiệt mạng; mới đủ sức răn đe, phòng chống hiệu quả “đại dịch” trộm chó như hiện nay.

Đọc thêm