Cá chết ở biển do dùng thuốc nổ đánh bắt

(PLO) - Ngày 18/11, tin từ Sở TN&MT TP Đà Nẵng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (TCMT) Hoàng Văn Thức vừa có Văn bản số 85/BC-TCMT gửi Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân báo cáo kết quả kiểm tra thực tế hiện tượng cá chết tại bãi biển Xuân Thiều (đường Nguyễn Tất Thành, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Hiện tượng cá mòi chết trôi dạt vào bờ tại Đà Nẵng.
Hiện tượng cá mòi chết trôi dạt vào bờ tại Đà Nẵng.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với Sở TN&MT TP Đà Nẵng, Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành khảo sát thực địa, kiểm tra và lấy mẫu môi trường biển Đà Nẵng nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân hiện tượng cá chết gây xôn xao dư luận thời gian qua, tại địa điểm trên.

Qua đó cho thấy, hiện tượng cá chết trôi dạt vào khu vực bãi biển đoạn từ cửa sông Phú Lộc đến gần khu du lịch Xuân Thiều xuất hiện vào khoảng thời gian từ 14h ngày 10/11. Cá chết chủ yếu loài cá mòi, khối lượng cá chết đã được Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đem xử lý tại bãi rác Khánh Sơn khoảng 952kg (kể cả cát bám dính).

Khi Đoàn công tác đến kiểm tra, hầu hết các cá chết đã được Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom. Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã giao Trung tâm Quan trắc TN&MT TP lấy mẫu nước biển ven bờ tại khu vực từ ngày 10- 12/11 để theo dõi, đánh giá. 

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ cho thấy các thông số pH, oxy hòa tan (DO), Amoni (NH4), Phosphat, Cyanua đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển vùng biển ven bờ (so sánh với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước/vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh).

Trong quá trình kiểm tra, khảo sát hiện trường, Đoàn công tác đã phối hợp với Viện Công nghệ môi trường lấy 3 mẫu nước thải (2 mẫu nước thải đọng của 2 cửa cống xả nước thải, 1 mẫu nước từ kênh Phú Lộc), 1 mẫu nước mặt của sông Cu Đê cách điểm xả ra biển khoảng 400m, 3 mẫu nước biển (1 mẫu tại vị trí cạnh điểm xả nước của sông Cu Đê ra biển, 1 mẫu tại cạnh điểm xả nước từ kênh Phú Lộc ra biển, 1 mẫu nước biển tại điểm giữa bãi biển Xuân Thiều).

Ngoài ra, Đoàn công tác cũng ghi nhận ý kiến của một số người dân đang làm việc và sinh sống tại khu vực cho biết, tình trạng cá chết trôi dạt vào bờ biển Xuân Thiều đã từng xảy ra một số lần trong năm và cả các năm trước, như thời điểm tháng 11/2017 (từ ngày 14- 16/11/2017).

Theo báo cáo của Đoàn công tác, thời điểm này đang mùa cá mòi di chuyển theo đàn gần bờ, nguyên nhân cá chết trôi dạt vào bờ có thể do ngư dân dùng thuốc nổ để đánh bắt cá, số cá bị chết còn sót, không được thu gom đã trôi dạt lên bờ.

Trên địa bàn khu vực chỉ có nguồn nước thải sinh hoạt thải ra môi trường, không có nguồn thải công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; trong khi đó Trạm Xử lý nước thải (XLNT) Phú Lộc hoạt động ổn định, chất lượng nước thải sau xử lý đạt QCVN theo quy định.

Đối với các nguồn thải công nghiệp khác như Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Khu Công nghiệp Hòa Khánh mở rộng… đều có Trạm XLNT tập trung, các nguồn thải này đều chảy ra sông Cu Đê. Qua khảo sát cho thấy không có hiện tượng cá chết tại vị trí cửa sông Cu Đê chảy ra biển.

“Chỉ có một loài cá mòi, không có các loại cá khác bị chết, nên nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển gây nên hiện tượng cá chết được loại trừ. Như vậy, có thể xác định nguyên nhân ban đầu của hiện tượng cá chết vừa qua do người dân sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá mòi trên biển trong khu vực vịnh Đà Nẵng!”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức nhấn mạnh trong báo cáo gửi lãnh đạo Bộ TN&MT.

Do vậy, Tổng cục Môi trường kiến nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc đánh bắt cá bằng thuốc nổ và các phương pháp mang tính tận diệt thủy hải sản.

Đọc thêm