Ca khúc “Màu hoa đỏ” bị cấm: Lỗi “ngớ ngẩn” hay tư duy tùy tiện?

(PLO) - Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đều cho rằng, ca khúc "Màu hoa đỏ" nói lên sự hy sinh của người lính trong hai cuộc trường chinh của dân tộc, là hồn cốt của dân tộc. Bởi thế, không có lý do gì có thể biện minh cho việc cấm lưu hành ca khúc này. 
Chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ”
Chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ”

Cấm ca khúc vì… hình ảnh minh họa?!

Trong Công văn số 120/SVHTTDL-TTr của Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang ban hành ngày 7/2/2017 có nội dung đề nghị Phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung cho phép lưu hành và phổ biến theo quy định của pháp luật, trong đó có ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến.

Sự việc này đã gây nên làn sóng bất bình đối với giới nhạc sỹ, nghệ sĩ và người dân trong cả nước. Có lẽ, bất ngờ nhất là nghệ sĩ Hồ Thanh Hương - vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu - “cha đẻ” của bài thơ “Màu hoa đỏ” do nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu không tin bài hát này bị cấm lưu hành phổ biến ở Tiền Giang bởi ông cứ nghĩ đó là sự nhầm lẫn. Sau khi đọc công văn của tỉnh Tiền Giang qua báo chí, ông mới tin đó là sự thật, cảm thấy buồn lòng và tổn thương. 

Theo NSƯT Thanh Lam, ca khúc “Màu hoa đỏ” là một ca khúc cách mạng, ngợi ca người lính và sự hy sinh thầm lặng của họ cho cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Ca khúc đã từng được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được trao giải Ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng. Ca khúc đã vang lên trong rất nhiều chương trình âm nhạc mang tính chính trị, xã hội… với những niềm tự hào khôn tả. Vậy thì việc cấm lưu hành và phổ biến ca khúc ở Tiền Giang là có vấn đề.

Cách cư xử này theo chị là không nhân văn đối với một tác phẩm âm nhạc cách mạng. Năm 1994, ca khúc “Màu hoa đỏ” đã đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được trao giải Ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng. Đồng quan điểm, ca sĩ Tùng Dương cho rằng, quản lý văn hóa nơi đây đã có sự nhầm lẫn trong việc thẩm định. Theo nam ca sĩ thì không có lý do gì để cấm ca khúc cách mạng này. 

Về nguyên nhân cấm ca khúc “Màu hoa đỏ”, theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho biết ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung. Không ít người bật cười vì lý do “ngớ ngẩn” ấy. Bởi bài hát “Màu hoa đỏ” là bài hát độc lập. Còn khi nhà sản xuất karaoke, họ đưa hình ảnh nào, nếu vi phạm pháp luật, họ phải chịu trách nhiệm chứ liên quan gì tới bài hát mà cấm đoán. Bài hát đâu có lỗi để có quyền cấm với đoán.

Không thể cấm tùy tiện!

Bình luận về quyết định cấm này, liệu có vượt cấp không, ông Nguyễn Thu Đông - Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL) cho hay, theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thì Sở VH-TT&DL hoặc Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu trong phạm vi địa phương”. Tuy nhiên, việc cấm, tạm dừng các ca khúc nào phải có lý do chính đáng và phải thông qua Bộ VH-TT&DL. 

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Vương Duy Biên khẳng định, việc Sở VH-TT&DL Tiền Giang cấm ca khúc “Màu hoa đỏ” là không đúng. “Nếu lỗi do băng đĩa đó đưa hình ảnh không phù hợp với ca khúc thì xử lý kỹ thuật và băng đĩa đó chứ không phải là xử lý ca khúc. Sai ở đâu thì xử lý ở đấy, chứ không phải vì hình ảnh sai mà cấm  ca khúc. Việc cấm ca khúc “Màu hoa đỏ” là cách làm tùy tiện, không đúng của địa phương”- Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định.

Trước sự việc trên, ông Phạm Văn Trọng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc Sở VH-TT&DL cấm lưu hành và phổ biến ca khúc “Màu hoa đỏ” là không đúng, vì mọi người đều biết đây là một bài hát truyền thống cách mạng nổi tiếng.

Được biết, ngay trong ngày hôm qua 24/3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi Công văn hỏa tốc số 199/NTBD-QLBĐ tới Sở VH-TT&DL Tiền Giang đề nghị Sở VH-TT&DL Tiền Giang khẩn trương báo cáo về việc này kèm theo các văn bản có liên quan về Cục Nghệ thuật biểu diễn trước ngày 26/3 để báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL.

Hy vọng rằng, lệnh cấm ca khúc “Màu hoa đỏ” sẽ được bãi bỏ và đây cũng sẽ là bài học cho tư duy làm việc tùy tiện trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. 

Giám đốc Sở VH-TT&DL xin lỗi gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến 

Chiều 24/3, ông Nguyễn Đức Đảm - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang đã có cuộc gặp gỡ báo chí để trao đổi những vấn đề liên quan đến dư luận phản đối việc cấm lưu hành bài hát “Màu hoa đỏ” của Sở trước đó.

Theo đó, “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sỹ Thuận Yến là bài hát cách mạng nổi tiếng. Tuy nhiên, tại các điểm karaoke trên địa bàn có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ khi không đóng tác quyền, không xin giấy phép biểu diễn và hình ảnh minh họa trong clip không phù hợp. 

“Khi ban hành công văn đề nghị các phòng văn hóa kiểm tra, bộ phận tham mưu của Sở đã không nói rõ vi phạm trong ca khúc “Màu hoa đỏ” là vi phạm về nội dung hình ảnh minh họa trong clip nên đã gây hiểu nhầm, gây bức xúc cho người dân. Là người đứng đầu ngành tôi xin nhận trách nhiệm về vụ việc này, đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình cố nhạc sỹ Thuận Yến. Thời gian tới, Sở sẽ kiểm điểm trong nội bộ để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp. Trước mắt chúng tôi sẽ làm giải trình gửi Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Tiền Giang”, ông Đảm cho hay.

Đọc thêm