Cà Mau đẩy mạnh nhiều giải pháp đột phá trong chuyển đổi số

(PLVN) - Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đột phá thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Điểm nổi bật Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm

Ông Huỳnh Quốc Việt – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (đứng thứ 2, từ trái sang), cùng lãnh đạo Sở, ngành tỉnh tham quan các mô hình về công nghệ số do VNPT cung cấp.

Ông Huỳnh Quốc Việt – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (đứng thứ 2, từ trái sang), cùng lãnh đạo Sở, ngành tỉnh tham quan các mô hình về công nghệ số do VNPT cung cấp.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cà Mau đã tập trung chỉ đạo, linh hoạt các giải pháp huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn. Nổi bật là việc thực hiện Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” (chiến dịch) kéo dài từ ngày 01/03/2023 đến ngày 09/5/2023.

Đồng thời, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ công tác Đề án 06, Tổ hướng dẫn và hỗ trợ dịch vụ hành chính công trong việc tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tiếp cận các nền tảng công nghệ số.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Cái Nước, cho biết: “Để triển khai chiến dịch đạt hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, Tổ tư vấn, tuyên truyền, hỗ trợ dịch vụ hành chính công, Tổ Công nghệ số cộng đồng, phát huy có hiệu quả 02 Tổ này trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thao tác nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Hàng tuần, trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện chiến dịch của cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục những nội dung, chỉ tiêu còn đạt thấp. Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chiến dịch”.

“Nhờ quyết liệt trong công tác triển khai thực hiện, kết thúc 69 ngày đêm thực hiện chiến dịch, huyện Cái Nước đều vượt 03 chỉ tiêu đề ra của cấp huyện và cấp xã. Thời gian tới, huyện Cái Nước sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện các giai đoạn tiếp theo của chiến dịch sao cho thực chất, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt hơn công tác tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn”, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước nói.

Các Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đi đến từng hộ gia đình, hỗ trợ người dân tiếp cận các nền tảng, kỹ năng số.

Các Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đi đến từng hộ gia đình, hỗ trợ người dân tiếp cận các nền tảng, kỹ năng số.

Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai nhiều cách làm sáng tạo với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai Đề án của Chính phủ “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chuyển đổi số. Ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC, số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung để cắt giảm các TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Các cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” mang lại nhiều hiệu quả.

Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” mang lại nhiều hiệu quả.

Ông Bùi Tứ Hải - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau, thông tin: “Thời gian qua, công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được Thành ủy, UBND thành phố Cà Mau quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Nhiều mô hình, giải pháp, sáng kiến được áp dụng thực hiện và đạt hiệu quả, nổi bật như: Thực hiện cắt giảm 50% thời gian giải quyết hồ sơ TTHC đối với hồ sơ khi tổ chức, cá nhân giao dịch trực tuyến. Đồng thời, phân công lực lượng đoàn viên trực tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thành phố Cà Mau để hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời, thực hiện mở tài khoản ngân hàng miễn phí trực tiếp tại nhà cho người dân trên địa bàn thành phố Cà Mau phục vụ nhu cầu giao dịch trực tuyến. Qua triển khai thực hiện đến nay đã phối hợp mở gần 3.000 tài khoản ngân hàng miễn phí cho người dân. Hỗ trợ cập nhật thuê bao chính chủ cho 23.406 thuê bao. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Cà Mau ngày càng được cải thiện, chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC ngày càng được nâng lên”.

Để kết nối để thông tin, tương tác trực tuyến giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G) đã triển khai tích hợp 50 ứng dụng, tiện ích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dễ dàng tương tác, sử dụng các dịch vụ số do chính quyền cung cấp. Tính đến cuối tháng 6/2023, ứng dụng CaMau-G đã có trên 20.000 lượt cài đặt; Ứng dụng Phản ánh hiện trường đã tiếp nhận và xử lý trên 180 phản ánh.

Cà Mau hiện có trên 850 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, chiếm 22% trong tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là sàn thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Cà Mau (madeincamau.com).

Tỷ lệ người dân thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng tăng.

Tỷ lệ người dân thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng tăng.

Nhằm tạo sức hút, quảng bá và xúc tiến cho du lịch Cà Mau trên nền tảng công nghệ số, Cổng thông tin Du lịch Cà Mau (camautourism.vn),… ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc thực hiện chuyển đổi số trong du lịch giúp các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến có sự thay đổi rõ nét trong nhận thức, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Qua đó, mang đến cho du khách những trải nghiệm thuận tiện, an toàn hơn qua các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu sản phẩm, dễ dàng tương tác trực tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ, thể hiện nhu cầu du lịch của bản thân”.

Cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ số, tỉnh Cà Mau đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, nắm bắt thời cơ, quyết liệt hành động để phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, nhằm phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu về chuyển đổi số, đưa tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển nhanh bền vững trong tương lai.

Anh Phạm Hải Triều (ngụ khóm 4, phường 6, thành phố Cà Mau) chia sẻ: “Tôi có tài khoản ngân hàng nên việc thanh toán nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia khá dễ dàng. Lúc đầu, tôi cũng không rành các thao tác nộp hồ sơ trực tuyến nhưng khi đến Bộ phận một cửa được cán bộ hướng dẫn tôi thấy cũng khá dễ, chủ yếu mình làm các bước theo yêu cầu và thanh toán trực tuyến trên đó luôn. Lần đầu, có thể chưa thành thạo nhưng các lần sau tôi có thể tự tin làm tại nhà, thuận tiện rất nhiều”.

Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để thúc đẩy phát triển xã hội số, tỉnh Cà Mau đã thành lập và đưa vào hoạt động 364 Tổ công nghệ số cộng đồng khóm/ấp tại 48/101 xã, phường thị trấn với 1.729 thành viên đã trực tiếp hướng dẫn, làm mẫu cho trên 53% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tiếp cận, sử dụng các nền tảng, kỹ năng số và các ứng dụng trên Chính quyền điện tử (CaMau-G) như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; bán hàng trên sàn TMĐT; thanh toán điện tử; đặt lịch khám bệnh từ xa...

Hiện các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của VNPT, Viettel, MobiFone đã và đang triển khai trên địa bàn toàn tỉnh được người dân và doanh nghiệp sử dụng rộng rãi. Đã có trên 186.080 tài khoản sử dụng ứng dụng VNPT Money, Viettel Money, MobiFone Money cùng với trên 25.370 chứng thư số công cộng cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân do doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ.