Cà Mau đứng đầu cả nước về thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng

(PLVN) - Năm 2023, tỉnh Cà Mau đứng đầu cả nước về vị trí xếp hạng theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.

Ông Trần Quốc Chính - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau phát biểu khai mạc chương trình giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và giải pháp Chuyển đổi số quốc gia.

Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có việc triển khai kế hoạch thực hiện Tổ công nghệ số cộng đồng đến năm 2025. Hiện trên địa bàn tỉnh có 883/883 ấp/khóm có Tổ công nghệ số cộng đồng, đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời, đơn vị tổ chức hướng dẫn cho hơn 182 nghìn hộ gia đình (chiếm trên 60% hộ gia đình trong tỉnh) tiếp cận, sử dụng các nền tảng số và thực hiện thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt khi giao dịch trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau thực hiện việc tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Năm 2023 tỉ lệ giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 97,3%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt 97,29%; tỉ lệ thanh toán trực tuyến đạt 62,58%; năm 2023 đạt 89,06 điểm. Tỉnh Cà Mau đứng đầu cả nước về vị trí xếp hạng theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.

Thành tích giúp tỉnh Cà Mau đứng đầu cả nước về vị trí xếp hạng thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2023 là năm dữ liệu số, là năm tỉnh triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo các điều kiện cần thiết, tạo nền móng vững chắc thực hiện, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số trong những năm tiếp theo.

Theo đó, tỉnh đã ban hành và triển khai 26 danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và 86 tập dữ liệu mở thuộc 14 lĩnh vực quản lý của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; thực hiện kết nối, khai thác 20/24 dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Trong năm 2023, có gần 2,6 triệu lượt giao dịch khai thác dữ liệu trên các dịch vụ này; có 18/18 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và 501/501 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; có 6.847/7.481 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội sử dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, đạt 91,5%”.

Phát huy những kết quả đạt được năm 2023, năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh bảo đảm thông tin liên lạc, chất lượng dịch vụ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành và nhu cầu của người dân địa phương. Đồng thời, duy trì 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính trên địa bàn các xã. Cùng với đó, các đơn vị hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, xác nhận nội dung, tiêu chí thông tin và Truyền thông trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Hướng dẫn tổ chức, cá nhân làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, đăng ký, sử dụng chứng thư số trên địa bàn tỉnh.

“Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ Chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực quản lý địa phương. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số và xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp. Cũng như hỗ trợ hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân. Tiếp tục hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số, hướng dẫn người dân tiếp cận các nền tảng số, công nghệ số, hình thành kỹ năng số. Qua đó, góp phần phát triển Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong năm tiếp theo”, ông Trần Quốc Chính nói.

Đọc thêm