Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, thời gian qua đơn vị đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Trong các văn bản đã quy định rất rõ về quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến lưu thông hàng hóa trên thị trường và quản lý về sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP.
Theo các văn bản, các địa phương đã tích cực thông báo, triển khai, hướng dẫn các chủ thể trên địa bàn nắm vững các quy định để thực hiện đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn một số chủ thể có sản phẩm đã hết hạn công nhận sản phẩm OCOP năm 2020 vẫn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP) để in, dán trên bao bì, nhãn mác, vi phạm quy chế tại Điều 10 Quyết định số 742/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Tôm khô tách vỏ - OCOP 3 sao (Hợp tác xã Tân Phát Lợi) và Gạo Hoàng Yến (ST24) - OCOP 3 sao (Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) nằm trong số 18 sản phẩm hết hiệu lực được công nhận sản phẩm OCOP. |
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đề nghị các đơn vị phối hợp thực hiện đối với 18 sản phẩm của 12 chủ thể đã hết hiệu lực được công nhận sản phẩm OCOP. Sở cũng đề nghị UBND thành phố Cà Mau và các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, Cái Nước, Năm Căn và Ngọc Hiển tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thông báo, nhắc nhở các chủ thể nêu trên không được sử dụng logo OCOP để in, dán trên bao bì, nhãn mác các sản phẩm, kể cả trong quá trình các chủ thể đang xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP theo quy định.
“Nếu phát hiện các chủ thể nêu trên vẫn tiếp tục vi phạm quy chế quản lý sản phẩm OCOP của tỉnh, Sở sẽ đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nêu rõ.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đề nghị Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP đối với cơ sở tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Nếu cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì tiến hành xử lý đối với các cơ sở vi phạm theo quy định hiện hành.
18 sản phẩm của 12 chủ thể đã hết hiệu lực được công nhận sản phẩm OCOP:
Bánh phồng tôm NACAMA 38% tôm, Bánh phồng tôm NACAMA tôm sú, Bánh phồng tôm NACAMA tôm đất - OCOP 4 sao (Công ty TNHH SXTM-XD Phúc Thịnh, phường 7, TP Cà Mau); Mật ong RUM CM - OCOP 3 sao (Hộ kinh doanh RUM CM, phường 7, TP Cà Mau); Tôm khô ROXAfoods và Tôm thẻ ROXAfoods - OCOP 3sao (Công ty TNHH Phát triển thủy sản Rồng Xanh, xã Khánh An, huyện U Minh); Gạo sạch Toàn Tâm - OCOP 3 sao (Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Tâm, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời); Chuối Xiêm ép khô - OCOP 3 sao (Hộ kinh doanh Bảy Hoàng, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời); Nước mắm Diệu Hương - OCOP 3 sao (Hộ kinh doanh Lê Hoài Thanh, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước); Chả cá phi - OCOP 3 sao (Hợp tác xã Chế biến, Thương mại dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cái Bát, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước); Dưa bồn bồn - OCOP 3 sao (Hợp tác xã Bồn bồn Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước); Cua biển Năm Căn - OCOP 3 sao (Hợp tác xã Nuôi cua Tân Hiệp Phát, xã, Lâm Hải, huyện Năm Căn); Tôm khô - OCOP 3 sao (Công ty TNHH Chế biến thủy sản Chí Tâm, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển); Bánh phồng hàu, Tôm khô tách vỏ, Muối tôm, Chà bông tôm - OCOP 3 sao (Hợp tác xã Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển); Gạo Hoàng Yến (ST24) - OCOP 3 sao (Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, xã Trí Lực, huyện Thới Bình).