Cả nước tưng bừng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật

 Nhằm đổi mới hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, ngành Tư pháp các địa phương đang rầm rộ chuẩn bị các cuộc thi lớn bằng hình thức sân khấu hóa. Đây là việc làm thường xuyên nhưng luôn khơi gợi lòng yêu nghề của những cán bộ tư pháp, hộ tịch ở cơ sở.

Nhằm đổi mới hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, ngành Tư pháp các địa phương đang rầm rộ chuẩn bị các cuộc thi lớn bằng hình thức sân khấu hóa. Đây là việc làm thường xuyên nhưng luôn khơi gợi lòng yêu nghề của những cán bộ tư pháp, hộ tịch ở cơ sở.

“Tôi là công chức Tư pháp - Hộ tịch” là tên cuộc thi do TP. Đà Nẵng khởi xướng. Cuộc thi nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch tại các xã, phường thuộc thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2011 - 2015”. Các đối tượng của cuộc thi gồm cán bộ, công chức phòng Tư pháp các quận, huyện; cán bộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường trên địa bàn toàn thành phố này. Cuộc thi sẽ diễn ra vào tháng 11/2011, trong đó kỹ năng tuyên truyền và kiến thức về hộ tịch được coi là điểm nhấn.

Các hội thi “ Cán bộ tư pháp - hộ tịch giỏi” được tổ chức tại nhiều địa phương.

Kế hoạch của UBND TP.Đà Nẵng ban hành cũng đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, ban ngành liên quan, trong đó có Sở Tư pháp, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện, các cơ quan truyền thông… Qua cuộc thi nhằm phát hiện những kinh nghiệm hay, những điển hình xuất sắc cũng như phát hiện những hạn chế yếu kém trong công tác tư pháp để tháo gỡ kịp thời.

Còn tại Vĩnh Long những ngày này, Hội thi Hòa giải viên giỏi cũng diễn ra ở cấp xã. Đây là lần thứ ba Vĩnh Long tổ chức hội thi Hòa giải viên giỏi. Hội thi hướng đến các đối tượng là Hòa giải viên ở cơ sở thuộc các xã, phường, thị trấn trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh. Không “bó” trong một lĩnh vực pháp luật cụ thể, cuộc thi hòa giải viên giỏi ở Vĩnh Long tập trung vào các nội dung như tìm hiểu các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở. Dự kiến hội thi cấp huyện sẽ diễn ra từ tháng 8 đến hết tháng 9 năm 2011; hội thi cấp tỉnh được tổ chức khoảng giữa tháng 11 năm 2011.

Tại Hà Nội, Hội thi Hộ tịch viên giỏi cấp quận, huyện sẽ diễn ra từ tháng 8 tới đây. Đây là một trong những địa phương thường xuyên tổ chức được những cuộc thi tương tự từ rất sớm. Hội thi là cơ hội để đánh giá thực trạng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội  ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã.

Được biết, hiện nay, ở một số đơn vị xã, phường của Hà Nội đã bố trí được 2 cán bộ hộ tịch/đơn  vị để giải quyết tình trạng quá tải trong công việc ở cấp xã, phường. tiến tới hội thi, UBND thành phố đã giao các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã (trong đó Sở Tư pháp là đơn vị thường trực) phối hợp thực hiện đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức hội thi tại các quận, huyện, thị xã; xây dựng kế hoạch; chủ động tuyên truyền và kịp thời thông tin về hội thi trên các phương tiện thông tin đại chúng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc thi thành công tốt đẹp.

Tương tự, tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng vừa có quyết định thành lập Ban Tổ chức Hội thi hộ tịch viên giỏi năm 2011, với 12 thành viên là lãnh đạo chủ chốt của các sở, ban ngành. Được biết, đây là lần thứ hai tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thi Hộ tịch viên giỏi quy mô cấp tỉnh.

Dù các hội thi dành cho đối tượng là công chức tư pháp, hộ tịch, hay cán bộ hòa giải đi nữa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật nói trên cũng là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, học tập, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, và quan trọng hơn, nó góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến nhiều tầng lớp nhân dân…

P.V

Đọc thêm