Ca trù, dòng chảy bền bỉ miền cửa biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Hồng hồng tuyết tuyết! Mới ngày nào chửa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoát có xa gì...”. Vào những dịp lễ, tết hay các ngày kỷ niệm của đất nước và thành phố, người dân TP Cảng có nhiều cơ hội được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc ngay tại dải trung tâm thành phố hay vườn hoa Nhà kèn hoặc cửa đình An Biên hàng tháng…
Các đào nương hát thờ tại cửa Đình An Biên- Lê Chân, TP Hải Phòng.
Các đào nương hát thờ tại cửa Đình An Biên- Lê Chân, TP Hải Phòng.

Thời vang bóng rực rỡ miền duyên hải xứ Bắc

Trên thực tế, ca trù có mặt và thịnh hành ở Việt Nam từ thế kỷ XV, đây là loại hình nghệ thuật cung đình, được giới trí thức nhiều thời đại yêu thích. Đó là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa lời bài hát, lời thơ và âm nhạc mang tính bác học và kén người nghe.

Tại Hải Phòng, nhiều thế kỷ qua - Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo… đều có các phường hát ca trù. Còn khu vực nội thành, hàng chục ca quán nổi tiếng ở Cánh gà ngoài (tức Dư Hàng Kênh), Cánh gà trong (tức khu Quán Bà Mau- Lạch Tray), hay Cam Lộ (tức Thượng Lý), Quy Tức (khu Kiến An)…hiện vẫn còn dấu tích về sự hội tụ của những kép đàn, đào hát một thời vang bóng.

Ca trù hay gọi là hát ả đào, hát cô đầu, là loại hình diễn xướng dân gian bằng âm nhạc thính phòng rất thịnh hành ở khu vực Bắc Bộ. Trong ca trù có ba thành phần chính gồm: nữ ca sĩ được gọi là “đào” hay “ca nương”, một nhạc công, còn gọi là “kép đàn” và người thưởng ngoạn, gọi là “quan viên”. Ngày xưa, ca trù chủ yếu diễn ra trong cung Vua, phủ Chúa, nhà quan lại, địa chủ, được giới quý tộc và trí thức yêu thích.

Ở đất Cảng, ca trù một thời rực rỡ và nức tiếng phải kể tới làng Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng - nơi từng được biết đến như cái nôi của ca trù vùng duyên hải Bắc Bộ. Nơi đây không chỉ có Phủ từ thờ 2 vị tổ nghề ca trù, mà từng là một Giáo phường ca trù lớn của cả vùng, đào tạo ra nhiều kép đàn, đào nương nổi tiếng như cụ Tô Tiến, cụ Phạm Thị Hợp, cụ Hội Thị... Ở thời hưng thịnh, ca trù còn được coi là một nghề kiếm sống cho hàng trăm người dân ở Đông Môn. Trong khoảng hơn hai 2 thế kỷ, ca trù trở thành món ăn tinh thần, nó như ngấm vào máu thịt người dân Đông Môn. Nghệ nhân dân gian, kép đàn Tô Văn Tuyên kể: “Tôi thường nghe các cụ kể lại rằng, ngày xưa ngay khi vào tới đầu làng người ta đã nghe tiếng lách cách của người học phách, học đàn”…

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố tham gia hát ca trù tại cửa Đình An Biên, Lê Chân, TP Hải Phòng.Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố tham gia hát ca trù tại cửa Đình An Biên, Lê Chân, TP Hải Phòng.

Đâu chỉ nắn phím, so dây, những điệu hát cổ, lời cổ với kỹ thuật hát được “chuốt” một cách điêu luyện, có sức lay động lòng người, đã hút khá đông đủ mọi giới chức, lứa tuổi đến thưởng thức. Người Đông Môn không chỉ tổ chức hát ca trù ở ngay tại nhà mình, mà còn đi hát ở các nơi, theo lời mời của hàng tỉnh, hàng huyện hay hàng tổng, hàng xã. Nhiều người đàn hay, hát giỏi còn lên tận Hà Nội mở ca quán ở Khâm Thiên, đưa những đào kép danh tiếng từ Đông Môn lên hành nghề.

Từng có một thời hoàng kim như thế, nhưng phải trải qua nhiều biến cố của lịch sử, ca trù mai một, rồi có lúc tưởng như mất hẳn. Phải sau khi đất nước thống nhất, ca trù mới được nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc và được ghi danh là Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (năm 2009). Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà nhiều nơi, trong đó có Hải Phòng vật vã trong việc gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Suốt một thời gian dài ca trù gần như biến mất ở thành phố Cảng khi loại hình âm nhạc này không được sử dụng, nhiều nghệ nhân đã bỏ phách, gác đàn. Tới năm 1993, một nhóm những người yêu thích ca trù và nghệ nhân còn sót lại của các ca giáo trước đây tập hợp nhau lại, lập thành tổ ca trù trong CLB thơ của Trung tâm Văn hóa Hải Phòng.

Đào nương Thu Hằng và các học trò của của mình.Đào nương Thu Hằng và các học trò của của mình.

Gần 30 năm kể từ ngày thành lập, Ca trù Hải Phòng từ một CLB với vài ba hội viên thuở ban đầu nay đã trở thành Giáo phường Ca trù với gần 40 hội viên ở 6 thế hệ, trong đó có 1 NSƯT, 1 Nghệ nhân ưu tú do Nhà nước phong tặng, 7 ca nương, kép đàn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, những người vẫn từng ngày miệt mài với các hoạt động nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy vốn cổ ca trù tại TP Cảng qua các buổi sinh hoạt và biểu diễn hằng tuần tại Đình Kênh, đình An Biên, nhà Kèn…

Và hai đào nương mang ca trù vào trường học

Cô Nguyễn Thị Thắm là Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân, TP Hải Phòng và Cô Nguyễn Thị Thu Hằng là một đào nương nổi tiếng. Hai người “bén duyên” với nhau vì tình yêu định mệnh với ca trù. Đào nương NSƯT Nguyễn Thị Thu Hằng (Quê ở làng Đôn, xã Vĩnh Niệm, huyện An Dương, nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng), cô từng đoạt 3 huy chương Vàng tại các Liên hoan Ca trù toàn quốc, cô được gọi là “người hát ca trù hay nhất Việt Nam”, dù cô rẽ ngang vào ca trù như một cơ duyên. Cô Hằng nói rằng đời cô may mắn được gặp các bậc tiền bối như nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ, như cụ quan viên Hãn “đen”, những người có một tình yêu ca trù mãnh liệt (80 tuổi vẫn đàn, hát): “Họ vật vã với ca trù. Các cụ chỉ lo mất nghề. Khi gặp được bọn hậu sinh, các cụ nở hoa trong ruột”…

Năm 2019, cô Thu Hằng được phong NSƯT và chính quyền tỉnh Kagawa (Nhật Bản) mời đích danh dự “Liên hoan nghệ thuật giao lưu văn hóa giữa các nước châu Á và Nhật Bản”, trong lễ hội Setouchi trên đảo Awashiwa. Đào nương Thu Hằng đã biểu diễn bài ca trù kinh điển “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết” được báo Nhật Bản khen ngợi.

Năm 2015, cô Nguyễn Thị Thắm nhận nhiệm vụ trên cương vị mới: Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, TP Hải Phòng). Cô Thắm đọc sách mới biết, ngoài tài dẹp loạn, an dân, ông quan triều Nguyễn Công Trứ còn có công phát triển nghệ thuật ca trù. Thế rồi đau đáu, cô giáo đi tìm thầy học ca trù với mong muốn tri ân bậc tiền nhân. Và cô đã mời được đào nương Thu Hằng về trường dạy cho cả cô và trò. Tối ngày 13/12/2016, cô Thắm đã tổ chức “Đêm Ca trù tri ân tiền nhân” tại đình Hàng Kênh (Hải Phòng) nhân kỷ niệm 158 năm ngày mất cụ Nguyễn Công Trứ. Thời điểm đó, có gần 1.000 người ngồi kín sân đình để nghe các đào nương Hà Nội, Hải Phòng và cô, trò trường Nguyễn Công Trứ hát ca trù.

NNƯT Nguyễn Thị Thu Hằng và ca nương Nguyễn Thị Thắm.

NNƯT Nguyễn Thị Thu Hằng và ca nương Nguyễn Thị Thắm.

Thế rồi, bọn trẻ hát xong, Nghệ nhân ưu tú Bạch Vân thốt lên: “Ca trù có tương lai rồi!”. Còn Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Nguyễn Bình Định thì hy vọng: Cả nước sẽ có nhiều trường như ngôi trường này!

Buổi tối hôm ấy, cô giáo Thắm đã hát bài “Trên vì nước, dưới vì nhà” lời thơ của Nguyễn Công Trứ. Không thể tưởng tượng một cô “đào ngang” mới học ca trù hơn năm mà hát lại hay như vậy. Theo NSƯT Thu Hằng: “Thắm hát có màu ca trù!” và cô giáo Thắm đã thấm đẫm chất ca trù từ bao giờ không hay…

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng hiện là Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật dân gian truyền thống Hải Phòng rất tự hào mỗi lần được đứng trên sân khấu biểu diễn hay truyền dạy ca trù cho các thành viên trong CLB: “CLB hội tụ tương đối đông đủ các loại hình nghệ thuật dân gian mà ở Hải Phòng, các nghệ nhân đang nắm giữ và hoạt động tích cực. Trong CLB không chỉ riêng loại hình nghệ thuật ca trù mà còn có hát chầu văn, hát chèo cổ, hát dân ca và hát xẩm, hát đúm. Với tôi, đến với nghệ thuật ca trù là một nhân duyên nhưng nhân duyên để tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là tôi có các thế hệ lớp trẻ, các bạn là những người trẻ tuổi nhưng rất yêu thích nghệ thuật ca trù”…

Cứ vào ngày Rằm âm lịch hàng tháng, tại đình An Biên, nơi thờ nữ tướng Lê Chân (quận Lê Chân, TP Hải Phòng), khán giả lại được lắng nghe âm thanh tiếng đàn đáy, nhịp phách giòn vang và ca từ réo rắt lan tỏa của các ca nương trong Câu lạc bộ hát ả đào Ca trù xứ Đông quận Lê Chân.

Với mong muốn truyền giảng những giá trị tốt đẹp tới thế hệ trẻ qua nghệ thuật truyền thống, Câu lạc bộ hát ả đào ca trù xứ Đông phối hợp với Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố mở Câu lạc bộ học các môn nghệ thuật hát ca trù, hát văn, hát chèo… tại trường.

NNƯT Nguyễn Thị Thu Hằng cùng ca nương Nguyễn Thị Thắm.

NNƯT Nguyễn Thị Thu Hằng cùng ca nương Nguyễn Thị Thắm.

Lớp học khóa I thu hút sự tham gia của 40 em học sinh, trong đó 15 em học hát, 15 em học múa và 10 em học trống chầu. Trong quá trình học tập, các em học sinh sẽ được các nghệ nhân, các nghệ sĩ và các thầy cô có chuyên môn trong từng lĩnh vực trực tiếp giảng dạy và giúp các em cảm thụ được sâu sắc hơn về nghệ thuật truyền thống.

Đến nay, rất nhiều người đã biết nghe ca trù từ các “Canh hát cửa đình” của CLB Ca trù xứ Đông tại đình An Biên, Hải Phòng. Cô Thắm cho biết, nhà trường tổ chức câu lạc bộ nghệ thuật dân gian không chỉ giúp học sinh nâng cao đời sống tinh thần, phát triển toàn diện, mà còn góp phần gìn giữ và bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc. Nhà trường thường xuyên liên hệ và phối hợp các nghệ nhân, giáo viên Câu lạc bộ hát ả đào ca trù xứ Đông để truyền dạy học sinh.

NSƯT Nguyễn Thị Thu Hằng với gần 20 năm gắn bó thiết tha với ca trù, chị nắm bắt và hiểu biết sâu sắc về chuyên môn, kỹ thuật của nghệ thuật hát ca trù; thành thạo nhuần nhuyễn hát và phách hơn 20 thể cách ca trù (bắc phản, mưỡu, hát nói, gửi thư, thổng, bỏ bộ, chúc dỡ, hát giai, phú)... Chị đã tham gia nhiều kỳ liên hoan ca trù toàn quốc, đoạt nhiều giải thưởng, bằng khen. Nhưng có lẽ điều đáng quý ở người nghệ nhân này, là tấm lòng của chị trong công cuộc truyền dạy cho thế hệ sau.

Từ thực tế trải nghiệm của bản thân lại học qua nhiều phương pháp truyền dạy khác nhau, chị đã tự hệ thống lại ưu khuyết của từng phương pháp rồi viết nên một giáo trình truyền dạy được đánh giá là hợp lí và đạt hiệu quả cao. Đến nay, chị đã trực tiếp truyền dạy đến 36 học trò.

Chúng tôi tới trường Nguyễn Văn Tố vào một buổi học của đào nương Thu Hằng và các học trò nhí. Từng nhịp phách và những ánh mắt trong veo của các cô bé, cậu bé tiểu học cứ thấm vào tự nhiên như thế. Có thể, phải sau này, các bé mới hiểu được những ca từ sâu sắc qua nhiều thế kỷ, nhưng hồn cốt văn hóa dân tộc bằng cách nào đó, sẽ theo các em tới suốt cuộc đời, dù sau này các em có thể là ai thì dòng chảy ấy vẫn còn mãi…

Cũng như cô giáo, đào nương Nguyễn Thị Thắm, đào nương Nguyễn Thị Thu Hằng, các chị đều rẽ ngang vào ca trù như những cơ duyên định mệnh. Song càng đắm say với ca trù, các chị càng thấy chẳng thể đi hết vẻ đẹp của môn nghệ thuật này. Mỗi lần hát với các chị là những cảm xúc thẳm sâu, diệu vợi, là nỗi niềm thế thái của con người, của chiều sâu văn hóa Việt, nối tiếp muôn đời…