Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười năm 2024: Quảng bá những giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Việc tổ chức Lễ hội đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười nhằm bảo lưu những phong tục tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống, đồng thời giáo dục sinh động và tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của quê hương Hồng Lĩnh.

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười năm 2024: Quảng bá những giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống

Sáng 9/11 vừa qua, tại đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười (phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), UBND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức khai mạc Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười. Tham dự lễ hội có đồng chí Hà Văn Trọng - UVBTV Tỉnh ủy; Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Đồng chí Lê Ngọc Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng đoàn công tác BTV Tỉnh ủy tại thị xã Hồng Lĩnh; Lãnh đạo các Sở, Ban ngành của tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời; đại diện lãnh đạo thị xã và đông đảo người dân địa phương, du khách thập phương.

Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ. Theo tư liệu lịch sử, đền được các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, gồm: Hậu cung, nhà Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là đền Cả. Còn tên gọi Dinh đô Quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại đền.

Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười được người dân địa phương tổ chức vào những ngày đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, chính lễ vào ngày 10/10. Đây cũng là dịp Tết cơm mới, Tết trùng thập, Tết hạ nguyên và đặc biệt là ngày hóa thân của Đức Thánh minh Quan Hoàng Mười; Ngày lễ của những người tổ chức liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt; Ngày mà người dân tin là ngày tròn trịa, viên mãn, mang lại nhiều điều tốt lành.

Toàn cảnh rước Đức Thánh Hoàng Mười thần chủ Vân Du

Toàn cảnh rước Đức Thánh Hoàng Mười thần chủ Vân Du

Do tàn phá của chiến tranh, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi đền bị hư hỏng, xuống cấp, vì vậy Lễ hội cũng bị mai một dần. Từ năm 2014 đến nay, sau khi di tích được phục dựng, Lễ hội truyền thống tiếp tục được cấp ủy, chính quyền và nhân dân sưu tầm, bổ sung, tư liệu. Đến ngày nay, chính quyền và nhân dân địa phương chính thức kỷ niệm 10 năm ngày trùng tu, tôn tạo và phục dựng Di tích, Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười.

Để ngôi đền có được diện mạo uy nghi, bề thế như ngày hôm nay, phải nhắc tới sự đóng góp to lớn của Nghệ nhân ưu tú Phạm Quang Hồng. Ông đã đứng ra phát tâm vật chất của cá nhân và gia đình để khởi tạo, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và bà con nhân dân địa phương và thập phương bá tánh đóng góp vật chất và ngày công để phục dựng ngôi đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười.

Trong buổi lễ trọng đại này, ông Phạm Quang Hồng đã được Ban tổ chức Lễ hội và đại diện lãnh đạo địa phương biểu dương những sự đóng góp to lớn trong việc xây dựng, khôi phục di tích và tổ chức Lễ hội…

Các vị lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh và phường Trung Lương trao tặng thủ nhang Dinh đô Hoàng Mười Phạm Quang Hồng cuốn sách giai thoại về Đức Hoàng Mười

Các vị lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh và phường Trung Lương trao tặng thủ nhang Dinh đô Hoàng Mười Phạm Quang Hồng cuốn sách giai thoại về Đức Hoàng Mười

Việc tổ chức Lễ hội đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười nhằm bảo lưu những phong tục tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; Tái hiện lại sự tích, thân thế, công trạng của các nhân vật lịch sử; Giúp người dân hiểu về truyền thống quê hương qua các hoạt động và phong tục được thể hiện trong các nghi lễ. Việc lịch sử hóa, địa phương hóa Ông Hoàng Mười thành các nhân vật như: Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí… cho thấy sự linh hoạt trong việc thể hiện truyền thống tôn vinh những người có công với quê hương đất nước của cư dân bản xứ; Nhắc nhở người đời sau về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ngoài ra, việc tổ chức Lễ hội hàng năm nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động Du lịch văn hóa tâm linh và các ngành kinh tế khác của địa phương, phát triển theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Thị ủy về phát triển Du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.

Toàn cảnh Đại lễ cung rước đệ thập Hoàng Tử Vương Quan

Toàn cảnh Đại lễ cung rước đệ thập Hoàng Tử Vương Quan

Ban tổ chức Lễ hội cho biết: Lễ hội năm nay được tổ chức bắt đầu từ ngày 01/10 đến ngày đến ngày 30/10 năm Giáp Thìn. Trọng tâm là các ngày từ mồng 8 đến mồng 10 âm lịch, với các hoạt động, như: Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt; Hội thi gói bánh chưng dâng Thánh; Lễ rước nước; Lễ cung nghinh Đức Thánh Minh Hoàng Mười Vân Du; Dạ hội văn nghệ, nghi lễ Nhà nước; Lễ Tế dân gian; Lễ Hầu tạ...

Nhân dịp Lễ giỗ Đức Thánh Quan Hoàng Mười, Học viện Thương hiệu Kim Cương và các em học sinh đạt giải trong cuộc thi Brand Review Award đã phối hợp xây dựng nội dung và xuất bản ấn phẩm sách tranh “Giai thoại Thánh Đức Quan Hoàng Mười”. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhằm giáo dục sinh động và tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của quê hương Hồng Lĩnh. Tham gia lễ hội, với các hoạt động tập thể là dịp người dân gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, chung tay xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn./.