'Tấm vé' về với Hà Nội xưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ đô nghìn năm văn hiến Hà Nội được ví như bảo tàng sống với hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa nổi bật. Vì thế, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng bất tận, là đề tài rung động tâm hồn các nghệ sỹ trong nỗ lực gìn giữ văn hóa đất Kinh kỳ.
'Tấm vé' về với Hà Nội xưa

Một trong những tác phẩm của dòng chảy ấy là chương trình thực cảnh “Chuyện phố Hàng” nằm trong dự án xây dựng chuỗi hoạt động biểu diễn tại phố cổ Hà Nội, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản của khu phố cổ, góp phần vào việc triển khai thực hiện công nghiệp văn hóa, tăng sức hút cho du lịch Thủ đô.

Sống lại không khí xưa của Ngôi nhà di sản

Trước khi nói về “Chuyện phố Hàng” xin có đôi lời về Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây - một trong những nơi lưu giữ cốt cách Thủ đô. Nhà cổ Mã Mây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, nằm trên phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, tên Mã Mây được ghép là tên của hai con phố Hàng Mã đoạn phía nam và Hàng Mây đoạn phía bắc.

Đây là một trong những ngôi nhà cổ mang đậm lối kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa được xây dựng theo dạng hình ống. Ngôi nhà số 87 Mã Mây đã thay đổi chủ nhiều lần. Năm 1945, một thương gia bán thuốc bắc mua lại ngôi nhà. Từ năm 1954 đến năm 1998, có 5 gia đình sinh sống tại đây. Kể từ cuối năm 1998, với sự đồng ý của các gia đình trong việc tái định cư ở nơi khác, ngôi nhà đã bước vào giai đoạn trùng tu tôn tạo và chính thức hoàn thiện vào ngày 27/10/1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng (bằng gỗ) cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng.

Ngày 16/2/2004, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) ký quyết định công nhận Ngôi nhà 87 Mã Mây là Di sản cấp quốc gia. Hiện nay, ngôi nhà trở thành điểm thông tin, tuyên truyền giới thiệu đến người dân và du khách về ngôi nhà phố của người Việt trong khu phố cổ Hà Nội; về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa.

Bốc thuốc Đông y là một trong những nghề có truyền thống lâu đời tại phố cổ Hà Nội. Được một thương gia bán thuốc bắc đã mua lại căn nhà để kinh doanh, thế nên ngay tại Ngôi nhà 87 Mã Mây, nếp sống của một gia đình Hà Nội xưa làm nghề Đông y đã được duy trì và khi trở thành ngôi nhà di sản thì nơi đây vẫn còn nguyên những hiện vật gợi nhớ về hoạt động của một nhà thuốc đông y đã từng có và từng diễn ra, từng sinh sống.

Trong tháng 10 này, kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô cũng như hướng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản của khu phố cổ, tăng sức hút cho du lịch Thủ đô, chương trình thực cảnh “Chuyện phố Hàng” tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đã được khởi động. Lấy cảm hứng từ hình ảnh và những câu chuyện về Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, “Chuyện phố Hàng” tái hiện không gian và đời sống sinh hoạt của một gia đình trung lưu người Hà Nội những năm 1930 thế kỷ trước. Hay nói cách khác, không khí của Ngôi nhà 87 Mã Mây như được sống lại trong “Chuyện phố Hàng”. Bởi “Chuyện phố Hàng” là câu chuyện có thực ở trong chính ngôi nhà này, về nghề thuốc Đông y mà chủ nhân ngôi nhà xưa kia đã làm.

Như được quay trở về quá khứ

Với “Chuyện phố Hàng” người xem có cảm giác như được quay trở về quá khứ, được sống lại thời hào hoa, tinh túy của người Hà Nội xưa còn đang hiện hữu.

Với “Chuyện phố Hàng” người xem có cảm giác như được quay trở về quá khứ, được sống lại thời hào hoa, tinh túy của người Hà Nội xưa còn đang hiện hữu.

Trong “Chuyện phố Hàng”, người xem không chỉ gặp lại chủ nhân ngôi nhà cũng những hoạt động thường ngày của nghề thuốc Đông y mà còn được chứng kiến sự trăn trở trong việc bảo tồn vốn cổ của cha ông trước những “làn sóng” văn minh phương Tây mà không phải chỉ ở ngày hôm nay chúng ta mới phải đối mặt.

Trong 36 phút, 36 khách xem “Chuyện phố Hàng” (việc lựa chọn con số 36 này cũng rất có ý tượng trưng cho 36 phố phường của đất Hà thành xưa) sẽ được hòa mình vào không gian thực cảnh, nơi kết hợp hoàn hảo giữa biểu diễn nghệ thuật hát, múa truyền thống kết hợp với những kỹ xảo âm thanh, ánh sáng tinh tế, đưa khán giả trở về với quá khứ. Mỗi diễn viên đều khéo léo hóa thân vào từng nhân vật. Đặc biệt, diễn xuất của diễn viên trong vai cậu cả theo Tây học đã khắc họa rõ nét diễn biến tâm lý phức tạp, từ vô tâm đến nhận thức, trân trọng di sản nghề gia đình để cứu người.

“Chuyện phố Hàng” do đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết, người phụ trách đoàn ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Theo NSƯT Lê Ánh Tuyết: “Câu chuyện của chúng tôi cũng rất đơn giản. Một ngày làm việc, một nếp sinh hoạt thường ngày của một gia đình làm nghề thuốc Đông y. Thông qua ngôn ngữ hình thể, “Chuyện phố Hàng” đã thể hiện nét sinh hoạt của người Hà Nội”. Cũng theo NSƯT Lê Ánh Tuyết, sở dĩ chỉ sử dụng ngôn ngữ hình thể là bởi thông qua ngôn ngữ hình thể, du khách nước ngoài cũng có thể hiểu được câu chuyện mà không cần phải thoại, không cần phải dịch.

Người đóng vai cậu cả trong “Chuyện phố Hàng” là nam diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ Nguyễn Hoàng Tùng - Giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nôi. Theo diễn viên Nguyễn Hoàng Tùng, với sân khấu thực cảnh, khán giả có lợi thế cảm nhận tình huống câu chuyện chân thực hơn về sự thay đổi từ trong nhân vật cậu cả. Từ việc không quan tâm đến nghề truyền thống của gia đình, anh đã tìm ra cách sử dụng bài thuốc đông y để cứu một cô gái và tình yêu trong họ dần nảy nở…

Theo bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội thì “Chuyện phố Hàng” là câu chuyện có thực ở trong chính ngôi nhà này. “Chuyện phố Hàng” là sự phối hợp với các nhóm nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ cũng như nhà thuốc Đông y để thu hút được nhiều hơn khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ. Mong muốn trong thời gian tới đây sau “Chuyện phố Hàng” kể về nghề làm thuốc, sẽ thực hiện các số kể về những phố nghề khác của 36 phố phường Hà Nội, để lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống; từng bước kích cầu, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội.

“Chuyện phố Hàng” ở một góc nhìn khác

Trong bối cảnh khá ảm đạm của sân khấu kịch hiện nay nói chung và loại hình nghệ thuật kịch đang ngày càng ít thu hút khán giả trẻ nói riêng, “Chuyện phố Hàng” ở một góc nhìn khác cũng cho thấy một hướng đi mới khi mang kịch đi ra khỏi khuôn khổ của sân khấu, để tìm tòi hướng đi mới, tiếp cận với khán giả.

Được biết, để phát triển sân khấu kịch, kéo khán giả đến với sân khấu, đã và đang có nhiều giải pháp mang tính chiến lược được đề ra như Bộ VH,TT&DL phối hợp Bộ GD&ĐT có kế hoạch đào tạo khán giả tiềm năng; đào tạo tác giả, mở trại sáng tác theo hình thức mới hiệu quả hơn; đẩy mạnh giao lưu sân khấu quốc tế, nhất là với các nước theo cơ chế thị trường để học tập, rút kinh nghiệm; đào tạo đạo diễn, diễn viên ở các nước có nền nghệ thuật sân khấu tiên tiến; xây dựng cơ chế đặc thù cho nghệ thuật sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng…

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển sân khấu kịch, kéo khán giả đến với sân khấu thì hai nguồn nhân lực “cung” và “cầu” cần có mối liên hệ mật thiết với nhau. Sở dĩ nguồn “cầu” (khán giả trẻ) quay lưng lại với sân khấu là do họ thiếu sự tìm hiểu, hứng thú. Điều đó sẽ thay đổi khi nghệ thuật truyền thống được tiếp cận khi tuổi còn nhỏ, để từ đó trình độ cảm thụ nghệ thuật của thế hệ khán giả tương lai sẽ được nâng cao theo thời gian. Về nguồn “cung” kịch mục cần đáp ứng mọi nhu cầu thưởng thức của khán giả thể hiện qua việc đa dạng đề tài và cách thức thể hiện.

Đây là những vấn đề có thể thấy được phần nào qua chương trình thực cảnh “Chuyện phố Hàng” khi bên cạnh phần lớn khán giả trẻ thì có những khán giả rất nhỏ tuổi theo cha mẹ đến xem. Và câu chuyện mà “Chuyện phố Hàng” kể cũng là một món ăn khá mới, khá thú vị về người Hà Nội, khi ngồi trong Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, nơi không một chút bóng dáng nào của cuộc sống hiện đại hiện diện, hít hà không gian thơm mùi thuốc Đông y, người xem có cảm giác như được quay trở về quá khứ, được sống lại thời hào hoa, tinh túy của người Hà Nội xưa còn đang hiện hữu.

Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. (Ảnh trong bài: PV)

Đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. (Ảnh trong bài: PV)

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ngay sau khi chương trình thực cảnh “Chuyện phố Hàng” kết thúc vào tối chủ nhật 20/10 tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đạo diễn, NSƯT Lê Ánh Tuyết cho biết: “Qua “Chuyện phố Hàng” chúng tôi muốn truyền tải một thông điệp rằng vẻ đẹp của Hà Nội xưa, từ những con người, những phố nghề cho đến những câu chuyện không bao giờ có thể mất đi. Cũng như những nét hào hoa, những nét tinh túy nhất của Hà Nội khó có thể mất đi. Thay vào đó, nó sẽ được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, tới cả mai sau, dù Hà Nội sẽ hiện hữu thêm rất nhiều loại hình văn hóa khác. Chọn sử dụng ngôn ngữ hình thể để chuyển tải thông điệp chúng tôi vừa muốn thể hiện sự trân trọng giá trị của Hà Nội xưa nói chung và Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây nói riêng, cũng như qua đó muốn diễn tả những gì mộc mạc nhất, chân thực nhất mà không gian này đã từng được chứng kiến, để khán giả có sự gần gũi và hòa mình”.

Cũng theo NSƯT Lê Ánh Tuyết, Hà Nội có 36 phố Hàng với rất nhiều nghề và nhiều câu chuyện, nhiều phận đời. Để phản ánh hết sẽ cần một hành trình và trong thời gian tới, kịch bản cho nghề hàng lụa, hàng vải sẽ được chuẩn bị, tiếp sau sự thành công của nghề thuốc Đông y. “Để du khách trong nước và nước ngoài luôn quay lại với Hà Nội bởi sự thôi thúc từ trong tâm nhu cầu tìm hiểu về các nghề ở các phố Hàng ở Hà Nội. Và qua đây cũng là câu trả lời sinh động cho câu hỏi thường thấy của rất nhiều người trẻ: “Tại sao phố này lại có tên là Hàng Mã; phố Hàng Bạc kia có bán bạc thật không…”, NSƯT Lê Ánh Tuyết chia sẻ.

Đọc thêm