Tôn vinh cây trà tổ 400 tuổi ở Suối Giàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Lễ hội tôn vinh cây trà tổ Shan tuyết hơn 400 tuổi được tổ chức trang trọng với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm gửi gắm ước mơ và cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho dân bản. 

Tiếng sáo Mông vang lên trong Tiệc trà đêm 26/10 tại Suối Giàng. Video: CTV.

Đêm tiệc trà với không gian biểu diễn cách pha trà đạo, thưởng trà và chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ dân tộc Mông, kết hợp chợ đêm vùng cao Suối Giàng vào tối 26/10 đã khép lại lễ hội tôn vinh trà tổ năm 2024 của huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái).

Ông Mùa A Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, lễ hội tôn vinh cây trà tổ theo nghi thức của người Mông Suối Giàng nhằm tôn vinh vùng chè Shan tuyết cổ thụ. Đây là hoạt động văn hóa thường niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân Suối Giàng.

Theo ông Giàng, lễ tôn vinh cây trà tổ hơn 400 tuổi được thực hiện lúc 8h hôm nay nhưng công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ sáng sớm. Mở đầu Lễ hội là hoạt động rước lễ từ trụ sở UBND xã Suối Giàng đến địa điểm cây chè tổ.

Đoàn nghi lễ trong trang phục truyền thống cung nghinh các sản vật địa phương tới bên gốc trà cổ. Ảnh: CTV.

Đoàn nghi lễ trong trang phục truyền thống cung nghinh các sản vật địa phương tới bên gốc trà cổ. Ảnh: CTV.

Nghi thức tôn vinh được thực hiện bên gốc trà cổ Shan tuyết hơn 400 tuổi đời. Ảnh: CTV.

Nghi thức tôn vinh được thực hiện bên gốc trà cổ Shan tuyết hơn 400 tuổi đời. Ảnh: CTV.

Nghi thức tôn vinh trà tổ là lời cảm tạ đất trời đã ban cho người Mông cây trà quý giá. Ảnh: CTV.

Nghi thức tôn vinh trà tổ là lời cảm tạ đất trời đã ban cho người Mông cây trà quý giá. Ảnh: CTV.

Lễ vật là những sản phẩm nông nghiệp tươi ngon nhất của địa phương do chính đồng bào nơi đây làm ra như cơm nếp, rượu, gà, bánh dày, hoa, trái cây, chè, cùng các đồ giấy vàng, giấy đỏ, hương.

Chủ lễ là già làng cao niên, đức độ, có uy tín thông hiểu phong tục, tập quán của người Mông thay mặt bà con dâng lễ cúng cây chè tổ, gửi gắm ước mơ, cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho dân bản.

Chiều cùng ngày người dân địa phương và du khách hòa mình vào các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như múa khèn, thổi sáo Mông, ném pao, các hội thi đẩy gậy, kéo co, giã bánh dày.

Các trò chơi dân gian, trải nghiệm là phần không thể thiếu trong lễ hội của người Mông ở Suối Giàng. Ảnh: CTV.

Các trò chơi dân gian, trải nghiệm là phần không thể thiếu trong lễ hội của người Mông ở Suối Giàng. Ảnh: CTV.

Bên cạnh đó, du khách đến Suối Giàng còn có cơ hội trải nghiệm tại các điểm du lịch trên địa bàn xã như tổ chức giao lưu Trà đạo, check in và trải nghiệm, tham quan động Thiên Cung, Cốc Tình, rừng trúc, vườn trà cổ thụ, đồi sim.

Thông qua Lễ hội, xã Suối Giàng cũng như huyện Văn Chấn mong muốn đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm trà Shan tuyết đặc sản đến bạn bè trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, kinh doanh, đầu tư các sản phẩm trà. Từ đó, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm trà Suối Giàng thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chè Suối Giàng. - lãnh đạo xã Suối Giàng cho biết.

Suối Giàng là một xã của huyện Văn Chấn - Yên Bái, nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho giống chè Shan tuyết với hương vị thơm ngon đặc biệt. Đây cũng là nơi hội tụ của quần thể với hơn 400 cây chè Shan tuyết có tuổi đời từ trên 100 đến 400 năm, đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam từ đầu năm 2016.