Thêm hiểu sâu sắc về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được sự nhất trí của UBND huyện, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cẩm Khê, hôm nay - ngày 10/11, Đảng ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tuy Lộc và Ban quản lý di tích lịch sử Đình Hội tổ chức Lễ động thổ Đình Hội cùng các công trình phụ trợ và Tọa đàm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Ban tổ chức chương trình. (Ảnh: PV)
NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Ban tổ chức chương trình. (Ảnh: PV)

Phát biểu khai mạc chương trình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc Hoàng Quang Trọng cho biết, Đình Hội, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ tự Vua Hùng Vương thứ 17 là Hùng Nghị Vương và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 21/01/1995 của UBND tỉnh Phú Thọ. Đình Hội được xây dựng vào năm 1853 dưới triều Vua Tự Đức. Năm 1936, giặc Pháp bắn phá làm ảnh hưởng lớn đến quy mô kiến trúc của Đình.

Sau đó, Đình được Nhân dân khôi phục, dựng lại, vẫn theo nền kiến trúc đình xưa. Đình Hội hiện còn lưu giữ được một số đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật phong phú, có giá trị thẩm mỹ cao, có giá trị lịch sử khoa học, trong đó có 10 sắc phong, để lại cho chúng ta niềm tự hào về các bậc tiền nhân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của thời đại Hùng Vương. Đến thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất của Đình đang xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc Hoàng Quang Trọng phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: PV)

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc Hoàng Quang Trọng phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: PV)

Tại chương trình, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung và tìm hiểu về di tích Đình Hội, nơi thờ cúng Vua Hùng thứ 17 - Hùng Nghị Vương.

Vui mừng dự Tọa đàm, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, trong truyền thống văn hóa làng xã của Việt Nam, ngôi đình đóng vai trò rất quan trọng, linh thiêng, nơi tập trung các cơ quan chính quyền thời xưa. Ông ghi nhận việc tu bổ, tôn tạo Đình Hội là góp phần gìn giữ nét truyền thống văn hóa rất đáng quý từ thời Vua Hùng mà theo lịch sử ghi chép Đình Hội thờ tự Vua Hùng thứ 17.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đề nghị nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng trong quá trình tu bổ, tôn tạo nhằm giữ được tối đa dấu tích xưa để lại cho hậu thế và muôn đời con cháu chúng ta mai sau. (Ảnh: PV)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đề nghị nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng trong quá trình tu bổ, tôn tạo nhằm giữ được tối đa dấu tích xưa để lại cho hậu thế và muôn đời con cháu chúng ta mai sau. (Ảnh: PV)

Qua báo cáo cho thấy Đình Hội còn lưu giữ nhiều tài liệu quý như các sắc phong, ngọc phả ghi lại dấu tích của Đình Hội xưa kia. Vị nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng nhằm giữ được tối đa dấu tích xưa để lại cho hậu thế và muôn đời con cháu chúng ta mai sau. Với ý nghĩa đó, việc tu bổ, tôn tạo Đình Hội là điều rất đáng mừng đối với ngành Văn hóa và lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Ông đề nghị các kiến trúc sư, nhà xây dựng trong quá trình tu bổ, tôn tạo tiếp thu ý kiến của các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu về tôn giáo, tâm linh để hoàn thiện đầy đủ ý nghĩa của công trình văn hóa này.

Xúc động được đứng trên mảnh đất thiêng mà tiền nhân đã tụ họp từ hơn bốn nghìn năm trước, Nghệ nhân ưu tú Trần Ngọc Ánh bày tỏ niềm tự hào về tiên tổ anh linh, pha một chút mủi lòng vì nơi đình đền thờ tự này đã bị mai một vì thời gian và chiến tranh. Nơi đây không chỉ là di tích lịch sử, mà còn là nơi chứa đựng chất liệu văn hóa, là cơ sở giáo dục văn hóa cho muôn đời sau.

“Chúng ta góp công, góp sức, góp tiền của, nhân lực, tài lực để cùng tham gia dựng xây ngôi Đình thiêng của quê hương đất nước cũng là công đức vô lượng. Những việc mình làm hôm nay thì trời biết, đất biết, tiên tổ biết, sẽ để lại phúc ấm cho con cháu sau này”, Nghệ nhân ưu tú Trần Ngọc Ánh kêu gọi.

Nghệ nhân Trần Ngọc Ánh đề nghị, chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng sớm củng cố hồ sơ, trình lên cấp thẩm quyền để di tích Đình Hội được danh chính ngôn thuận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Các đại biểu làm lễ động thổ tu bổ, tôn tạo Đình Hội. (Ảnh: PV)
Các đại biểu làm lễ động thổ tu bổ, tôn tạo Đình Hội. (Ảnh: PV)

Trong tham luận gửi tới Tọa đàm, Thạc sỹ Phùng Quang Trung, nguyên Trưởng phòng Văn học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hệ thống di tích lịch sử văn hóa danh thắng Đền Hùng, một biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Trong đó có di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hội (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) thờ vua Hùng Vương thứ XVII hiệu là Hùng Nghị Vương húy Bảo Quang Lang.

Ông Trung cho hay, cả nước tôn thờ một vị Quốc Tổ - đó là một mỹ tục độc đáo, là nếp sống đậm đà đầy bản sắc và bản lĩnh văn hóa tộc Việt. Xã Tuy Lộc tôn vinh vua Hùng Nghị Vương trong cuộc kháng chiến chống giặc Thục, trên đường đi Vua đã trú chân tại địa phương, nơi đây cùng một số vị Thần đã có công dẹp giặc cứu nước, dậy dân trồng nông trang và để lại nhiều di sản vật thể (thần phả, 10 đạo sắc phong, nhiều cổ vật, hiện vật…) và phi vật thể có giá trị cao trong ngôi Đình Hội.

Thay mặt Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt, ông Nguyễn Đức Tố Huân, đồng tác giả cuốn sách “Hùng Vương Thánh tổ Ngọc Phả” cho biết, cùng thờ với Hùng Nghị Vương ở Tuy Lộc có đủ các vị Sơn thần (Cao Sơn, Cao Minh) và Thủy thần (Từ Huệ Nhược Ứng), Mỵ nương (Diễn Kỳ), Lạc hầu của triều đình (Hổ Lang) và Quan lang người địa phương (Cửa Đường). Có lẽ do vậy nơi đây được gọi là Đình Hội, hội tụ linh thiêng như một triều đình đầy đủ bá quan của triều Hùng thứ 17.

Đối với việc thờ tự ở Tuy Lộc, nhóm nghiên cứu đề xuất thống kê lại, đọc, dịch các sắc phong thần của Tuy Lộc, là căn cứ cho việc thờ tự, lập bài vị cho các vị thành hoàng của địa phương. Khai thác thêm bản khai 4 sắc phong hiện lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Cần tìm lại bản Ngọc phả đã có ghi trong Lý lịch di tích của Đình. Đọc, dịch để có những thông tin và căn cứ chính xác cho việc thờ tự cũng như để hiểu đúng công lao, sự nghiệp của Hùng Nghị Vương và triều Hùng thứ 17. Đồng thời, đối chiếu thêm với các điển thờ các vị thần thời Hùng thứ 17 ở trong vùng (như ở Mạo Phổ - Thanh Ba, Hậu Lộc - Chu Hóa…) để có thêm tư liệu và thông tin cho triều đại Hùng Nghị Vương.

Tỉnh Phú Thọ có nền văn hóa rực rỡ từ lâu đời, là địa phương có Khu di tích Đền Hùng để thờ tự 18 đời vua Hùng và nhiều di tích văn hóa có giá trị khác. Khu di tích Đền Hùng và các di tích văn hóa Phú Thọ hết sức có giá trị với phát triển du lịch tại Việt Nam.

Đọc thêm