Ngân hàng dữ liệu di sản số: Phát huy giá trị văn hóa ngàn năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngân hàng dữ liệu số, lưu trữ dữ liệu của các di sản sẽ giúp cơ quan quản lý đánh giá được hiện trạng, tính nguyên gốc, cũng như giúp công chúng biết được vẻ đẹp, giá trị của di sản mà ta đang có.

Di tích trường tồn trong không gian mạng

Bằng việc số hóa các di sản và đưa lên môi trường internet, cộng đồng đông đảo người dân có thể tiếp cận với các cổ vật dễ dàng hơn, các nhà nghiên cứu, học viên sinh viên tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức khi muốn nghiên cứu về các di sản văn hóa, bởi vậy, việc khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa được lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt các giá trị văn hóa được quảng bá theo cách nhanh nhất và trực quan nhất trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Không những thế, việc số hóa này sẽ để lại cho thế hệ tiếp theo những bản di sản kỹ thuật số sắc nét nhất và giống thật nhất, điều này cực kỳ quan trọng vì các di sản sẽ dần hư hại theo thời gian, dù có sử dụng các phương pháp bảo quản tốt nhất thì loài người cũng không thể cam kết gìn giữ được những di sản này lâu dài theo thời gian, vì nhiều lí do: thảm họa, thiên tai, cháy nổ, lũ lụt,... có thể bất ngờ làm hư hại tới các di sản quý giá này.

Bởi vậy, tầm quan trọng của việc số hóa các di sản là không thể phủ nhận, với các công nghệ số hóa hiện đại, chúng ta cũng cần phải quan tâm tới các công nghệ lưu trữ điện tử có thể lưu trữ, bảo quản các di sản văn hóa số lâu dài.

Hình ảnh Điện Kính Thiên được phục dựng bằng công nghệ 3D. (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long)

Hình ảnh Điện Kính Thiên được phục dựng bằng công nghệ 3D. (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long)

Hiện đã có tư liệu của khoảng 7.000 di tích ở ngân hàng dữ liệu của Viện Bảo tồn di tích (địa chỉ http://ditich.vn/FrontEnd). Dự kiến mỗi năm sẽ có thêm tư liệu của 1.000 di tích được đưa lên tiếp. Có thể tìm thấy hồ sơ các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và các di tích chưa được xếp hạng nơi đây. Quan trọng, các hồ sơ rất đầy đủ. Nó giúp hình dung về di tích rõ ràng hơn. Những gì đặc sắc của di tích đều có thông tin ở trong ngân hàng dữ liệu này được cung cấp miễn phí cho công chúng.

3D hóa di tích được sự quan tâm của các nhà quản lý bởi nó đem lại lợi ích ở rất nhiều mặt. Các di sản Việt như: chùa, đình từ nay sẽ trường tồn trong không gian 3D. Người quản lý, tu bổ sẽ luôn có một tham chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích thước, mặt cắt ngay cả khi di tích thực đã hạ giải. Những sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu sẽ dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh... Người nghiên cứu thỏa thích bóc tách, đo vẽ cấu kiện, xem bản dập của cả khu di tích. Những bản sao 3D chất lượng cao như tòa đình này còn là sự phòng ngừa cho các di sản quí trước cuộc sống biến động, là hàng rào kỹ thuật ngăn trùng tu ẩu...

Số hóa 3D toàn diện, lưu giữ hiện trạng, tạo ra bảo hiểm về kỹ thuật cho các di tích lớn. Đặc biệt là số hóa 3D là bước tiến mới, sẽ giúp nhà quản lý kiểm soát được sự hư hỏng, xuống cấp của các di tích một cách chi tiết; bảo đảm độ chính xác trong tu bổ, tôn tạo.

Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đến nay, Viện đã số hóa được hơn 700 báo cáo khoa học, 1.154 băng phim khoa học và tư liệu và 40.000 ảnh, đã và đang tạo lập được cơ sở dữ liệu dự án văn hóa phi vật thể. Trên hệ thống website của Viện đã bước đầu cập nhật các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong đó mỗi di sản giới thiệu về không gian địa lý, thời gian tổ chức, cộng đồng chủ nhân di sản, nhận diện di sản, đưa một số hình ảnh đại diện và 1 phim chọn lọc dưới 10 phút. Năm 2021, Viện đã chính thức ra mắt nền tảng trực tuyến “Phát triển cơ sở dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể và nội dung số ở Việt Nam trên trang web IchLinks”.

Trong những năm gần đây, người dân và du khách đến nhiều điểm di tích, bảo tàng nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích quốc gia Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế… đã có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, mới mẻ và hấp dẫn.

Ngoài hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ góp phần tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn tại các điểm đến. Một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh,thành phố như: Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... đã chủ động xây dựng kế hoạch số hóa di sản văn hóa trên địa bàn nhằm thích ứng và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cần gỡ những “điểm nghẽn”

Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích các loại được kiểm kê, hơn 3.100 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia. UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có hơn 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, và đặc biệt là sự đa dạng, phong phú của hơn 8.000 lễ hội. Chính vì thế, việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa vẫn là một thách thức, vướng một số “điểm nghẽn”.

TS Phạm Khánh Ngân - Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và di sản tư liệu, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết, ở cấp địa phương, việc chuyển đổi dữ liệu gặp vướng mắc khi nhiều địa phương tâm huyết muốn làm, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí, ngân sách.

Trong khi đó, hành lang pháp lý trong hợp tác công - tư ở lĩnh vực này chưa được xây dựng cũng như còn thiếu hệ thống quy chuẩn thống nhất trong số hóa dữ liệu di sản. Tình trạng người làm công nghệ không đủ am hiểu về di sản, người làm di sản không tiếp cận về công nghệ cũng là một trong những cản trở lớn trong quá trình số hóa.

Hiện còn có tư tưởng số hóa xong lại cất giữ trong kho vì quan niệm rằng giữ trong nhà thì là tài sản, chia sẻ đi thì sẽ mất. Điều này không đúng với tri thức, vì càng lan tỏa, sức mạnh tri thức sẽ tăng lên, câu chuyện số hóa di sản cũng như vậy.

Lăng vua Tự Đức là 1 trong số 30 di tích trên toàn thế giới được Google chọn để số hóa 3D quảng bá trên toàn cầu. (Ảnh: Khám Phá Huế)

Lăng vua Tự Đức là 1 trong số 30 di tích trên toàn thế giới được Google chọn để số hóa 3D quảng bá trên toàn cầu. (Ảnh: Khám Phá Huế)

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thông tin, thời gian qua, việc xây dựng kho dữ liệu số về di sản chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và bền vững, chưa tính đến việc liên kết dữ liệu, nền tảng để cùng khai thác. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực còn mỏng và nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Mặt khác, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan chưa chặt chẽ.

Các cơ sở dữ liệu di sản văn hóa vẫn được xây dựng và vận hành độc lập với những ứng dụng công nghệ khác nhau, chỉ dừng ở mục đích quản lý và khai thác riêng rẽ của từng đơn vị, chưa tính đến việc liên kết dữ liệu với việc phân cấp quản lý, khai thác. Vì vậy, chúng ta cần hướng đến việc phát triển một cơ sở hạ tầng dữ liệu liên kết cho dữ liệu di sản văn hóa đồng nhất ở Việt Nam. Mục tiêu của cơ sở dữ liệu liên kết này hướng đến việc trở thành một phương tiện tích hợp để thu thập và kết nối thông tin di sản văn hóa được cung cấp bởi các cơ quan khác nhau.

Cũng theo TS Phạm Thị Khánh Ngân, cần thống nhất nhận thức, hoàn thiện và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, quy định từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng quan và xây dựng bộ tiêu chí dữ liệu, bộ công cụ giám sát trong hoạt động quản lý, liên kết hệ thống bản đồ số trong việc số hóa dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

Vấn đề bản quyền tác giả và quyền liên quan đối với các sản phẩm liên quan đến di sản văn hóa khi được phổ biến trên không gian mạng cũng cần được xem xét...

Ngành văn hóa dự kiến đến năm 2030 sẽ số hóa toàn bộ các dữ liệu di sản. Như vậy, chỉ còn 6 năm với ngổn ngang các công việc cần giải quyết.

Tháng 12/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 2026 phê duyệt chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Quyết định đề ra mục tiêu như: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội.