Các hành vi bị cấm khi kinh doanh bất động sản và các quy định xử lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn vào một bất động sản nào đó với mục đích là để sinh lợi nhuận. Theo đó, các hành vi bị cấm trong kinh doanh bất động sản bao gồm huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Theo quy định tại Điều 8 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định các hành vi bị cấm khi kinh doanh bất động sản gồm:

Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản 2014

Đối với hành vi kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định thì Chủ thể thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Ngoài ra, Chủ thể thực hiện hành vi còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng.

Quyết định việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt

Đối với hành vi lập hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Chủ thể thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Ngoài ra, Chủ thể thực hiện hành vi còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (áp dụng đối với trường hợp dự án chưa thực hiện hoặc đang thực hiện) là buộc hủy dự án đầu tư xây dựng công trình.

Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản

Hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định thì Chủ thể thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 (Điểm b Khoản 1 Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP). Bên cạnh đó, Chủ thể thực hiện hành vi còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc công khai đầy đủ, chính xác nội dung thông tin về bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo đúng quy định.

Hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới thì Chủ thể thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (Điểm b Khoản 3 Điều 58 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP).

Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản

Chủ đầu tư có hành vi gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể,

Tại Điều 198 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về Tội lừa dối khách hàng: “Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác…” Theo đó, Chủ đầu tư có thể bị truy cứu trách nhiệm với hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hoặc Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác..” Theo đó, Chủ đầu tư có thể bị truy cứu trách nhiệm với hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, Chủ đầu tư còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết

Chủ đầu tư huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, cụ thể:

Tại điểm đ khoản 4 Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định đối với hành vi này Chủ thể thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000. Ngoài ra, Chủ thể thực hiện hành vi còn buộc thực hiện đúng quy định hoặc đúng cam kết, buộc bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên mua, bên thuê mua.

Bên cạnh đó, trong trường hợp Chủ đầu tư chiếm dụng vốn trái phép có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước

Với hành vi doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ bị xử lý theo pháp luật về thuế, pháp luật thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hóa đơn, chứng từ,…

Cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định của Luật kinh doanh bất động sản 2014

Đối với hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Hành vi tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản thì Chủ thể thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Chủ thể thực hiện hành vi còn buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Hành vi sử dụng chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định thì Chủ đầu tư có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 58 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP

Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái quy định của pháp luật.

Đối với hành vi thu các loại phí liên quan đến chuyển nhượng bất động sản không đúng quy định thì chủ đầu tư có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (Điểm đ Khoản 1 Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP).

Hành vi thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định thì chủ đầu tư có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Điểm đ khoản 2 Điều 58 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP).

Ngoài ra, Chủ thể thực hiện hành vi còn buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Đọc thêm