Trả lời:
Việc dẫn độ tội phạm được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia
Đây là nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế cũng như hoạt động dẫn độ tội phạm. Chủ quyền quốc gia là tối cao và bất khả xâm phạm thể hiện qua quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Khi nhận được một yêu cầu dẫn độ tội phạm, quốc gia nhận được yêu cầu có quyền từ chối hay chấp nhận tùy vào pháp luật dẫn độ của nước mình hay các điều ước quốc tế mà mình đã kí kết hoặc tham gia. Quốc gia yêu cầu chỉ được tiếp nhận đối tượng sau khi quốc gia được yêu cầu thực hiện xong các hoạt động liên quan đến dẫn độ.
Nguyên tắc có đi có lại
Đây là nguyên tắc pháp lý cần thiết để đảm bảo việc dẫn độ tội phạm có hiệu quả. Nội dung của nguyên tắc này quy định: nước được yêu cầu dẫn độ sẽ chấp nhận dẫn độ với sự đảm bảo rằng nước có yêu cầu giúp đỡ cũng sẽ chấp nhận và thực hiện một yêu cầu như vậy của nước được yêu cầu trong tương lai. Nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng quyền bình đẳng và chủ quyền giữa các quốc gia. Tuy nhiên, nguyên tắc này không đồng nghĩa với sự trao đổi ngang bằng và ngay lập tức, mà tùy từng trường hợp để quyết định có thực hiện yêu cầu hợp tác của bên đối tác hay không.
Nguyên tắc định tội danh kép
Đây là nguyên tắc đặc thù trong dẫn độ tội phạm được hầu hết các nước áp dụng. Đối tượng bị yêu cầu dẫn độ sẽ được dẫn độ khi hành vi của họ được định danh là hành vi tội phạm theo luật quốc gia của cá nước yêu cầu và nước nhận được yêu cầu dẫn độ. Không đáp ứng được yêu cầu này, các quốc gia có quyền từ chối dẫn độ.
Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình
Nguyên tắc này đã đươc ghi nhận trong hiệp định của Hội đồng châu âu 1957 về dẫn độ tội phạm, trong các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia, trong hiến pháp và luật quốc tịch của các nước. Đối tượng bị dẫn độ là các cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội và bị xét xử hành vi tội phạm này hoặc người bị tình nghi thực hiện hành vi tội phạm đang lẩn trốn ở ngoài lãnh thổ của quốc gia yêu cầu dẫn độ.
Nguyên tắc không dẫn độ người phạm tội về chính trị
Nguyên tắc này được ghi nhận trong một số điều ước quốc tế đa phương, song phương về tương trợ tư pháp giữa các quốc gia và trong luật quốc gia của các nước. Tuy nhiên, khái niệm về tội phạm chính trị cũng chưa được dưa ra rõ ràng. Tính chất chính trị của tội phạm có được đề cập tới bằng phương thức xác định chế định dẫn độ tội phạm là chế định đối lập với chế định cư trú chính trị. Nguyên tắc cũng có ngoại lệ là: thủ phạm giết hại nguyên thủ quốc gia, người đứng đàu chính phủ hoặc các nhà lãnh đạo cao cấp khác của quốc gia không được hưởng quyền không bị dẫn độ sau khi thực hiện hành vi phạm tội.