Cuộc đua vẫn tiếp diễn
Thời điểm giãn cách xã hội, có thể nói, kinh doanh online là một trong số những ngành có mức ảnh hưởng “nhẹ nhàng” hơn cả. Trong đó, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) vẫn có lượng khách đông đảo, buôn bán rầm rộ, nhờ ưu thế của ngành hàng này là không trực tiếp tiếp xúc, mua bán, được cơ quan chức năng khuyến cáo nên sử dụng nhiều trong mùa giãn cách. Nhiều người kinh doanh kiểu truyền thống cũng nhân cơ hội này để đổi mới, tìm cách mở gian hàng trên các sàn TMĐT.
Tuy nhiên, không phải đến khi bùng phát dịch bệnh thì người ta mới nhận ra lợi thế không thể thay thế của ngành TMĐT. Với xu thế phát triển công nghệ của nhân loại, từ cách đây khá lâu đã có dự báo về việc TMĐT đang dần dà và có thể thay thế các hình thức thương mại truyền thống trong tương lai gần. Những năm gần đây, cuộc đua của những đại gia sàn TMĐT đã phần nào minh chứng cho điều này.
Cuộc đua của các sàn TMĐT được giới quan sát gọi là “cuộc đua đốt tiền”, điều này có lẽ không sai khi người ta chứng kiến đầu tư khủng mà các nhà đầu tư đổ ra cho các sàn, mà chưa biết khi nào mới có thể “thu hoạch”.
Chưa kể đến nhiều dự án phải ngưng giữa cuộc đua vì kham không nổi, như trường hợp các sàn TMĐT adayroi, lotte.vn bất ngờ đóng cửa trong năm 2019, sau khi các nhà đầu tư đã đổ vào một nguồn vốn không hề nhỏ. Đến đầu năm 2020, sàn thương mại chuyên bán hàng hiệu Leflair lại thông báo ngừng hoạt động sau 4 năm kinh doanh tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, hiện có nhiều sàn TMĐT lớn, nhỏ đang hoạt động, có những sàn chuyên mua bán đầy đủ các sản phẩm, nhưng cũng có những sàn lựa chọn “ngách” như chuyên về mỹ phẩm, chuyên nhu yếu phẩm hay chuyên trao đổi, mua bán sản phẩm cũ. Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… được coi là 4 sàn mạnh nhất trong nước, tính về uy tín thương hiệu, mức độ hoạt động rầm rộ và các thương vụ gọi vốn “khủng”.
Nói là hàng đầu với tệp khách hàng khổng lồ, nhưng thực chất, cho đến nay, hầu hết các sàn TMĐT vẫn đang tiếp tục đổ tiền chứ vẫn chưa chạm đến lợi nhuận dương. Trong năm 2018, tổng mức lỗ của bốn công ty Lazada Việt Nam, Tiki, Shopee Việt Nam và Sendo lên đến 5.000 tỷ đồng. Ước tính, trong năm 2019 và 2020, con số lỗ cũng không nhỏ.
Mới đây, thông tin Tiki và Sendo, hai “ông lớn” TMĐT sáp nhập khiến giới kinh doanh xôn xao. Hiện Tiki hướng đến đối tượng khách hàng thành thị, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, những người tiêu dùng kĩ tính, quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa.
Trong khi đó, Sendo phổ biến với người tiêu dùng ở khu vực ngoại ô và nông thôn, ưu tiên về giá. Thương vụ sáp nhập này nếu thành công sẽ giúp hai công ty tận dụng ưu thế cả hai, mở rộng thị trường và khách hàng của mình, đồng thời sẽ giúp việc gọi vốn dễ dàng hơn.
Khách hàng càng hưởng lợi
Những năm qua, các cuộc “đốt tiền” của các sàn TMĐT đều hướng đến việc thay đổi thói quen tiêu dùng trong nước. Vốn đầu tư hầu hết đổ vào các hoạt động quảng bá rầm rộ, khuyến mãi, hậu mãi… nhằm thu hút khách hàng. Như Tiki, thương hiệu này tập trung mạnh vào truyền thông, quảng cáo. Người dùng có thể bắt gặp thông tin, hình ảnh của Tiki trên rất nhiều phương tiện đại chúng, từ quảng cáo online, youtube, đặc biệt là tài trợ cho các hoạt động âm nhạc.
Lazada thường tung các chiến dịch khuyến mãi giảm giá “khủng”. |
Sendo rót tiền vào các hoạt động quảng cáo với đại sứ thương hiệu là các ngôi sao đang nổi. Trong khi đó, Lazada, Shopee tập trung vào các chiến lược ưu đãi về giá, về lợi ích… Với chính sách của mình, Shopee thường đem đến mức giá thấp hàng đầu thị trường cho các sản phẩm bán trên trang này, đồng thời thường xuyên có ưu đãi như miễn phí, giảm giá vận chuyển…
Lazada lại thường có những “ngày hội giá khủng” hàng tháng vào các thời điểm ngày tháng trùng nhau như 1/1, 2/2… Vào thời điểm này, khách hàng có thể săn được các sản phẩm giá rẻ chỉ bằng 1/3, 1/2 giá gốc, do người bán buộc phải hạ giá để tham gia chương trình của Lazada.
Tiêu dùng thông qua các sàn TMĐT, nhất là trong những cuộc đua về nhận diện thương hiệu, về ưu đãi như thế, người tiêu dùng dĩ nhiên là được lợi. Chỉ cần ngồi ở nhà, họ có thể chọn mua hàng hóa phong phú, “cần gì có đó” mà thậm chí giá còn rẻ hơn nhiều so với việc mua hàng trực tiếp.
Về phần mình, những chủ gian hàng trên các sàn TMĐT dù chấp nhận giá bán thấp, đem ưu đãi cho khách hàng và chia % lợi nhuận cho sàn, nhưng cái lợi họ có được cũng không nhỏ, đó là mở rộng được tệp khách hàng, có được kênh quảng cáo, tiếp cận khách hàng, lợi nhuận vẫn đảm bảo với lượng khách khổng lồ từ các hoạt động quảng bá của sàn đem lại.
Tóm lại, trước mắt, cuộc chơi TMĐT đem lại khá nhiều lợi ích cho người tham gia buôn bán lẫn người tiêu dùng. Nhờ những nỗ lực “chịu lỗ” của các sàn, chỉ trong vòng vài năm qua, thói quen, hành vi tiêu dùng của người Việt đã thay đổi đáng kể, từ việc xa lạ với TMĐT, nay các sàn này đã trở thành một phần không thể thiếu trong tiêu dùng của người dân từ thành thị đến nông thôn.
Sắp tới, thông tin Facebook chuẩn bị đưa vào hoạt động sàn TMĐT cũng khiến dư luận xôn xao. Cạnh đó, Amazon, nền tảng TMĐT hàng đầu thế giới được cho là “ngấp nghé” vào thị trường Việt Nam. Cùng với thông tin về cuộc sáp nhập giữa Tiki và Sendo, tin rằng, càng nhiều “ông lớn” TMĐT nhập cuộc, thị trường càng sôi động, phong phú, mới mẻ.
Tại một hội nghị về TMĐT trong nước, ông Lê Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, có thể dự báo về sự phát triển của TMĐT trong nước ở 4 xu hướng: Thứ nhất,xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng số, với số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam tăng cao khi có tới 64 triệu người đang sử dụng smartphone.
Thứ hai, giá hàng hóa trên sàn TMĐT sẽ giảm. Khi thị trường TMĐT có nhiều nhà cung cấp, cuộc cạnh tranh về giá sẽ trở nên khốc liệt. Giá là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Do đó, doanh nghiệp sẽ thường xuyên giảm giá sản phẩm, tạo chương trình khuyến mãi. Thứ ba, sự bùng nổ TMĐT qua mạng xã hội, việc mua hàng qua mạng xã hội ngày càng gia tăng và đây sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.
Cuối cùng, giao dịch mua bán trên sàn TMĐT được dự báo thực hiện qua ngân hàng. Tại Việt Nam, thanh toán khi nhận hàng là chủ yếu, bên cạnh nhiều hình thức như chuyển khoản, QR code hay ví điện tử. Tuy nhiên, giao dịch tiền mặt còn nhiều hạn chế, không phù hợp trong sự phát triển TMĐT trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.