Nhờ có sự tham gia của các tổ chức phi Chính phủ, các hoạt động tuyên truyền về tác hại thuốc lá được nhân rộng. Tuy nhiên, đã có sự nhập nhằng giữa tài trợ và tác động vào chính sách của các tổ chức này đối với các giải pháp giảm thiểu tác hại của những sản phẩm thuốc lá không khói. Một loạt vụ việc liên quan đến tác động chính sách đã được ghi nhận và sự kiện Chính phủ Ấn Độ quyết định chấm dứt hợp tác với Quỹ Bloomberg là rất đáng để lưu tâm.
Ngăn chặn người dân tiếp cận máy thở vì liên quan đến công ty thuốc lá
Vụ việc nói trên được phát hiện tại Philippines khi Bộ Y tế nước này đã “đắp chiếu” 370 máy thở trong kho kể từ năm 2020 tới nay, đến mức bị hư hỏng, lý do là vì loạt thiết bị này… được hỗ trợ bởi các công ty thuốc lá.
Được biết, ngay sau khi nhận được một “khoản tài trợ lớn” từ Quỹ chống thuốc lá Bloomberg (theo thông tin từ tạp chí The Manila Standard), Bộ Y tế và Ủy ban Công vụ Philippines đã ban hành thông tư nhằm phân rõ ranh giới đối với các công ty thuốc lá. Theo đó, Bộ Y tế Philippines cho biết, Thông tư liên ngành số 2010-01 giữa Bộ này và Ủy ban Công vụ có quy định cấm bất kỳ hoạt động kết nối nào giữa Chính phủ với ngành công nghiệp thuốc lá, bao gồm cả việc nhận các khoản tài trợ, kể cả những chiếc máy thở trong tình trạng dịch bệnh khẩn cấp.
Những chiếc máy thở này lẽ ra đã có thể cứu được rất nhiều sinh mạng tại Cagayan De Oro – một trong những khu vực có số trường hợp mắc bệnh COVID cao nhất Philipines trong thời gian qua.
Bộ Y tế Philippines cũng đã viện vào đó để từ chối các doanh nghiệp thuốc lá được tiếp cận với vaccine phòng ngừa COVID-19 do Chính phủ nhập khẩu để triển khai chương trình tiêm chủng dành cho nhân viên của họ. Những quyết định này khiến Bộ Y tế cùng Chính phủ Philippines bị chỉ trích kịch liệt kèm theo đó là sự nghi ngại về mức độ can thiệp của Quỹ Bloomberg và các tổ chức trực thuộc đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Sự việc diễn ra ở Philippines không phải là trường hợp cá biệt. Tại một số nước khác, hoạt động của các quỹ tài trợ của Bloomberg cũng cho thấy đang có những dấu hiệu can thiệp vào chính sách của Chính phủ nhằm đưa ra các quyết định cấm đoán cực đoan đối với các sản phẩm thuốc lá không khói. Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan đã đang nhận tài trợ từ Quỹ Bloomberg và đổi lại là những lệnh cấm các sản phẩm thay thế không khói thuốc.
Đại diện một tổ chức chống thuốc lá trình bày trong một hội thảo về thuốc lá thế hệ mới. (Ảnh minh họa) |
Đến nay, các tổ chức từ thiện thuộc Quỹ Bloomberg hoạt động thông qua mạng lưới rộng khắp trên thế giới bao gồm các tổ chức như HealthBridge Canada, Campaign for Tobacco-Free Kids (CTFK), Vital Strategies, The Union, SEATCA… và đặc biệt có ảnh hưởng tại các nước đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi từ khu vực Đông Nam Á đến châu Phi và Mỹ Latinh.
Tuyên truyền nhưng phải trên định hướng của Chính phủ
Trong những tổ chức phòng chống thuốc lá kể trên, CTFK là tổ chức đặc biệt năng nổ trong việc tập trung vào những chiến dịch tuyên truyền bảo vệ trẻ em khỏi tác động của khói thuốc lá, ngăn chặn tối đa nguy cơ trẻ trở thành thế hệ người dùng mới. Đường lối này được ủng hộ tuyệt đối, kể cả với các công ty sản xuất thuốc lá.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền tác hại thuốc lá không nên gắn kèm với đề xuất cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nói chung. Bởi thuốc lá vẫn là ngành hàng kinh doanh được pháp luật thừa nhận và do vậy những sản phẩm thuốc lá dù là thuốc lá thế hệ mới nếu đã thuộc vào định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá hiện hành như thuốc lá làm nóng cần phải được áp dụng theo đúng văn bản pháp luật đã hướng dẫn.
Mặt khác, Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan bộ, ngành đưa ra phương án quản lý để tăng cường phòng chống buôn lậu. Do vậy, việc CTFK tích cực vận động nhằm mở đường cho việc ban hành chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá không khói, trong đó có thuốc lá làm nóng, về bản chất đã thuộc luật hiện hành, tạo ra sự lúng túng trong việc quản lý của các cơ quan bộ, ngành.
Hệ lụy là đã gần 4 năm vẫn chưa thể có hành lang pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới nên đã dẫn tới sự bành trướng của thị trường buôn lậu và nguy hiểm hơn là những nguồn hàng phi pháp này đã và đang tác động đến giới trẻ. Đây vốn dĩ là điều mà chính các tổ chức chống thuốc lá như CTFK cũng không muốn nhưng thực tế đã diễn ra.
Đến nay, các tổ chức chống thuốc lá vẫn luôn khẳng định các công ty thuốc lá đang nhắm vào giới trẻ, tấn công học đường trong khi thực tế chỉ có giới buôn bán hàng nhập lậu đứng sau và không ngừng thu lợi bất chính. Bởi thực tế chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào được phép thương mại thuốc lá thế hệ mới và vì vậy hoàn toàn không thể xúc tiến bất kỳ hoạt động nào để gọi là “nhắm vào giới trẻ”.
Xét về góc độ khoa học, những tác động ngoại ý đến từ các sản phẩm thuốc lá không khói về bản chất hiện vẫn đang được các tổ chức y tế trên toàn cầu theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nên phủ nhận toàn bộ những giá trị tích cực đã được khoa học kiểm chứng minh bạch, toàn diện đối với những sản phẩm này.
Ví dụ, các nghiên cứu đến từ Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) hay thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến nay đều đồng thuận rằng không có phản ứng cháy diễn ra đối với các loại thuốc lá không khói, trong đó có thuốc lá làm nóng. Chính vì loại bỏ được quá trình đốt cháy nên hàm lượng các hóa chất gây hại có trong khí hơi aerosol của những sản phẩm không khói đã giảm thiểu đáng kể.
Nhưng những căn cứ khoa học này cần được công khai đầy đủ, minh bạch đến với cộng đồng cũng như các cơ quan y tế thay cho việc áp đặt những định kiến cực đoan về những sản phẩm mới như thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng.
Tại Ấn Độ, sau khi các cơ quan tình báo trong nước bày tỏ quan ngại về sự chi phối của Quỹ Bloomberg lên chính sách quốc gia, Chính phủ nước này đã chấm dứt quan hệ hợp tác với Quỹ Bloomberg. Đây cũng là sự cảnh báo đến cho các Chính phủ cần tỉnh táo trước những chính sách chống thuốc lá cực đoan theo đường lối duy ý chí nhằm tránh sự can thiệp, chi phối vào hoạt động lập pháp của quốc gia, bao gồm cả chính sách kiểm soát thuốc lá theo hướng “lợi bất cập hại”.