Quản lý thuốc lá làm nóng như thuốc lá để tránh thất thu thuế và chống buôn lậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đến nay, thuốc lá làm nóng vẫn chưa chính thức được luật điều chỉnh. Điều này dẫn đến việc tiếp tục thất thoát thuế, đồng thời gia tăng tình trạng buôn lậu mặt hàng thuốc lá mới này trong nhiều năm qua.

Thuốc lá làm nóng, sản phẩm có thành phần nguyên liệu là thuốc lá, đủ điều kiện để phải chịu sự quản lý của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hiện hành của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay thuốc lá làm nóng vẫn chưa chính thức được luật điều chỉnh. Điều này dẫn đến việc tiếp tục thất thoát thuế, đồng thời gia tăng tình trạng buôn lậu mặt hàng thuốc lá mới này trong nhiều năm qua.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nhiều hội thảo giữa các cơ quan bộ, ngành đã được thực hiện những năm qua. Phần lớn các cơ quan quản lý liên quan cũng đồng ý: những sản phẩm thuốc lá không khói (hay còn gọi là thuốc lá thế hệ mới) gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, cần xem xét là những sản phẩm đã nằm trong định nghĩa của Luật PCTHTL hiện hành để đưa vào quản lý ngay.

Bởi thuốc lá vẫn là ngành nghề kinh doanh hợp pháp có điều kiện. Do đó không thể cấm hoặc trì hoãn quản lý những sản phẩm thuộc định nghĩa hoặc đã được phân loại là thuốc lá. Hiện chỉ có thuốc lá làm nóng do có nguyên liệu thuốc lá nên chịu sự kiểm soát của Luật PCTHTL 2012, cũng như sản phẩm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là sản phẩm thuốc lá.

Sớm công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá để chống thất thu thuế và kiểm soát buôn lậu

Thuế vẫn là khoản thu quan trọng nhất của ngân sách Nhà nước. Có thể thấy, việc sớm công nhận tính hợp pháp của thuốc lá làm nóng là sản phẩm chịu sự quản lý của Luật PCTHTL sẽ giúp Nhà nước tránh được tình trạng thiệt hại kép, vừa thất thu thuế vừa bội chi cho những khoản phí liên quan đến việc chống buôn lậu như xử lý, tiêu hủy hàng phi pháp.

Nhiều hội thảo được tổ chức nhưng đến nay thuốc lá làm nóng vẫn chưa được đưa vào quản lý.

Nhiều hội thảo được tổ chức nhưng đến nay thuốc lá làm nóng vẫn chưa được đưa vào quản lý.

Trong một hội thảo phòng chống buôn lậu thuốc lá diễn ra tại Hà Nội năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, hệ quả của tình trạng buôn lậu thuốc lá là hàng năm Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỷ đồng, thất thoát ngoại tệ khoảng 500 triệu USD. Đây là một tổn thất rất lớn, nhất là khi đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn tình trạng dịch bệnh hiện nay.

Không chỉ liên quan đến thuế, việc quản lý sản phẩm này bằng luật còn tạo cơ sở để xây dựng khung pháp lý, khung xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp buôn lậu hay bán hàng kém chất lượng, bán hàng cho trẻ vị thành niên, tấn công vào học đường.

Mặc dù công tác chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá vẫn được triển khai ráo riết, tuy nhiên số vụ và quy mô chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt bởi buôn lậu sản phẩm này mang lại lợi nhuận cực kỳ cao. Không có luật để xử phạt thích đáng, các đối tượng buôn lậu trở nên “nhờn” khi bị bắt.

Trước những hệ lụy do buôn lậu thuốc lá thế hệ mới gây ra, hiện các cơ quan y tế đang nỗ lực tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng trong giai đoạn chờ luật hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, cần sớm đưa các loại sản phẩm đã nằm trong định nghĩa là thuốc lá như thuốc lá làm nóng vào quản lý theo Luật PCTHTL để có khung pháp lý xử phạt thích đáng các hành vi phạm tội.

Kiểm soát sự tiếp cận của giới trẻ đầy đủ và toàn diện

Hiện trong 66 thị trường đã chính thức thương mại hóa thuốc lá làm nóng, có khoảng 2/3 quốc gia nằm trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) thuộc WHO. Những dữ liệu từ các thị trường này đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực về việc quản lý thuốc lá làm nóng hiệu quả.

Theo đó, tại các nước đã thương mại hóa thuốc lá làm nóng, nhà cung cấp được yêu cầu áp dụng chính sách bán hàng phù hợp: người mua phải khai báo và xác minh độ tuổi bằng các giấy tờ tùy thân trong tất cả các khâu của quá trình mua hàng (cả trực tuyến và trực tiếp). Theo luật, chỉ những người thỏa mãn điều kiện về độ tuổi mới được cung cấp thông tin sản phẩm và tiến hành mua hàng. Việt Nam hoàn toàn có thể và cần thiết áp dụng chính sách này.

Cần sớm áp dụng luật để quản lý thuốc lá làm nóng.
Cần sớm áp dụng luật để quản lý thuốc lá làm nóng.

Bên cạnh việc thực thi Luật PCTHTL tại các điểm bán các sản phẩm thuốc lá làm nóng, các biện pháp khác cũng cần triển khai đồng thời. Cụ thể: nghiêm cấm việc bán thuốc lá gần các cơ sở giáo dục, trường học, các cơ quan y tế, trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó. Nếu các cơ chế quản lý này được áp dụng, tỷ lệ giới trẻ tiếp cận đối với thuốc lá làm nóng gần như nằm trong tầm kiểm soát. Thậm chí có thể nói là hiệu quả hơn so với việc kiểm soát tình trạng giới trẻ tiếp cận đến thuốc lá điếu hiện đang rất dễ dàng.

Sau hơn 5 năm thương mại hóa thuốc lá làm nóng, Nhật Bản đã có nhiều báo cáo liên quan đến sản phẩm tại đất nước này. Một nghiên cứu năm 2018 của Nhật Bản cho biết chỉ có 0,1% học sinh sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng hằng ngày trong cả 2 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng nhóm học sinh này cũng đã từng hút thuốc lá điếu trước đó. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của giới trẻ đối với thuốc lá làm nóng là rất thấp.

Thực tế này cũng đã và đang được nhìn thấy tại Việt Nam. Hiện vẫn chưa ghi nhận được số liệu tác động đến giới trẻ của các sản phẩm thuốc lá làm nóng nhập lậu, nhưng Viện Chiến lược chính sách Y tế tại Hà Nội cho biết có tới 5,2% thanh thiếu niên chưa hút thuốc bao giờ song lại hút thuốc lá điện tử.

Từ những thực tiễn trong nước và quốc tế cho thấy, việc sớm công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đang ách tắc hiện nay. Trong đó bao gồm tình trạng thất thoát thuế, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân buôn lậu, cũng như chiến lược kiểm soát toàn diện sự tiếp cận của giới trẻ trước tình hình xâm nhập của các sản phẩm thuốc lá nói chung.

Đồng thời, dữ liệu cũng đã chứng minh mối lo ngại về việc thuốc lá làm nóng tiếp cận giới trẻ có thể được giải quyết bằng việc tham khảo và vận dụng các chính sách quản lý phù hợp và hiệu quả của các nước, trong đó có sự phối hợp giữa quy định của Chính phủ và trách nhiệm các công ty thuốc lá. Đây cũng là chính sách hiện đang được áp dụng phần lớn tại các quốc gia đã thương mại thuốc lá làm nóng và đã tạo được hiệu quả tích cực.

Đọc thêm