Các trường ngoài công lập lại đề nghị bỏ điểm sàn

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ điểm sàn. PLVN ghi lại ý kiến của một số người đứng đầu các trường NCL xoay quanh vấn đề này.

Lo điểm thi năm nay thấp, các trường công lập hạ điểm chuẩn sát điểm sàn - thấp nhất mức có thể... Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ điểm sàn. PLVN ghi lại ý kiến của một số người đứng đầu các trường NCL xoay quanh vấn đề này.

Theo dự báo, điểm thi ĐH năm nay sẽ thấp hơn mọi năm

* GS.Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL): Nguy cơ không đủ chỉ tiêu

Tuy chưa có đánh giá tổng kết về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 nhưng qua những thông tin ban đầu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các ý kiến chuyên gia cho thấy, kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay nhìn chung thấp hơn năm trước, một vài môn thi có kết quả rất kém, cá biệt điểm thi môn Lịch sử thấp một cách “không bình thường”.

Với kết quả này, có thể trên thực tế vẫn không gây khó cho các trường ĐH thuộc tốp trên, nhưng với các trường thuộc tốp giữa và tốp dưới, trong đó có các trường ĐH, CĐ NCL, các trường của địa phương sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có của nhiều trường.

Hơn nữa, nếu vẫn quy định “điểm sàn chung” cho cả nước thì dù số lượng thí sinh đạt trên điểm sàn có nhiều hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh (có số dôi dư) nhưng như mọi năm, do sự phân bố không đều giữa các vùng miền, nhiều thí sinh cũng khó di chuyển từ vùng này đến vùng khác để học tập; vẫn sẽ có nơi thừa nguồn tuyển, nơi lại cạn kiệt. Các địa phương khó khăn vẫn ít người được vào ĐH, làm trở ngại việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đó.

Với các lý do trên, Hiệp hội đề xuất hai phương án: Phương án 1: Giao cho các trường ĐH, CĐ căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình Bộ duyệt. Phương án 2: Nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước, thì phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.

* Ông Hoàng Trọng Yêm (Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh): Nên trao quyền tự chủ cho các trường ĐH

Tôi đề nghị nên công khai ảo, công khai chỉ tiêu, sau đó xác định điểm sàn cho ứng với số chỉ tiêu, xác định tổng chỉ tiêu là bao nhiêu, lúc đấy xác định điểm sàn. Thêm nữa, không nên hạn chế thời gian tuyển sinh NV3,  bởi lẽ nhiều thí sinh đổ xô vào trường công lập, nhưng trường đó đã lấy thừa chỉ tiêu rồi thì thí sinh sẽ đi đâu. Do đó, các trường cần công khai thí sinh ảo, nếu không các trường NCL sẽ bị rơi vào tình trạng bị “sa mạc hóa” như hiện nay khi không còn nguồn tuyển sẽ bị rơi vào trạng thái cực kì rủi ro.

* Ông Lê Công Huynh (Hiệu trưởng ĐH Thành Tây): Thực trạng đáng báo động

Các trường NCL không tuyển đủ chỉ tiêu đến một lúc sẽ tan vì không có nguồn, số lượng giao cho các trường, số ảo đi thi, cuối cùng sợ rằng hạ điểm chuẩn, hạ điểm sàn không chất lượng. Như vậy, các trường không còn thí sinh để tuyển. Hơn nữa, ngay với nhiều trường công lập từ năm 2010 đã lấy từ điểm sàn thì còn đâu thí sinh cho trường NCL. Vấn đề là quản lý hay là không? Điểm sàn bao nhiêu, đó có phải là vấn đề quản lý hay không?. Yêu cầu của xã hội như thế nào thì điểm vào như thế, chất lượng không phải ở điểm sàn.

Trong hoàn cảnh hiện nay, các trường NCL sẽ tan hết, sẽ lãng phí một khối rất lớn cơ sở vật chất, công sức đầu tư vào làm. Vẫn biết sức mạnh của các trường NCL là số lượng sinh viên nhưng không giải được. Đơn cử, trường chúng tôi những năm gần đây đã tuyển sinh theo cấp số lùi: Năm 2008 có 700, năm 2009 có 600, 2010 còn 400, 2011 có khi 200 chưa chắc đã có dù chúng tôi đã làm hết mọi cách đều không được.

Do đó, nếu Bộ tăng điểm sàn hay hạ điểm sàn là cả một vấn đề với các trường NCL, đó là thực trạng đáng báo động, đáng lẽ Bộ nên có mức điểm sàn riêng với các trường công lập và các trường NCL để làm sao các trường như chúng tôi lấy được thí sinh có đầu vào chất lượng hơn nhưng tới nay vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

* Ông Đặng Văn Định (Chủ tịch HĐQT ĐH Chu Văn An):   “Ba chung” đã lạc hậu

“Ba chung” từng là sáng kiến vĩ đại của Bộ, phù hợp với bối cảnh cách đây 10 năm nhưng giờ không còn phù hợp nữa. Mấy năm vừa rồi điểm sàn làm được gì khi các trường dân lập và các trường tốp dưới đều hết sức khó khăn trong công tác tuyển sinh?. Gần 100 trường ĐH NCL chúng tôi có tội tình gì đâu cho những giải pháp tình thế...

* GS.Trần Hữu Nghị (Hiệu trưởng ĐHDL Hải Phòng): Cần 1/3 thí sinh vượt vũ môn?

Có một thực tế, nếu điểm sàn thấp quá thì không có giá trị với xã hội. Tôi cho rằng, trong số 1 triệu thí sinh đi thi, nếu những năm trước đây chỉ có khoảng 200.000 thí sinh vào ĐH thì tại sao chúng ta không nghĩ tới việc ra đề thi phù hợp để có thêm 100.000 thí sinh nữa. 300.000 cũng là một con số chọn lọc trong số 1 triệu thí sinh, như  vậy chúng ta sẽ không bị phụ thuộc vào điểm sàn nữa.

Và nếu Bộ xác định được điểm sàn tốt thì đâu phải ra thêm ngày để xét tuyển NV2, NV3. Trong khi đó, với nhiều địa phương còn khó khăn thì không biết có bao nhiêu em học sinh lùng được trang web của trường để thay đổi nguyện vọng.

Được biết, tháng 8/2010, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cũng đã kiến nghị Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, đồng thời dừng việc tuyển sinh hệ ngoài ngân sách ở các trường ĐH, CĐ công lập nhưng không được chấp thuận.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong bối cảnh hiện nay không thể bỏ điểm sàn vì trình độ thí sinh chênh lệch quá xa. Nếu các em có đầu vào quá thấp sẽ không đủ năng lực để học. Còn năm nay, Bộ GD&ĐT cho biết vẫn sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh ngoài ngân sách cho bất cứ trường nào!

Uyên Na (ghi)

Đọc thêm