Rùng mình tội ác thiếu niên
Sự việc cô bé lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn cùng lớp đánh đập tàn nhẫn, lột sạch quần áo và quay clip rồi tung lên mạng đã khiến dư luận nổi cơn thịnh nộ. Trước đó, chuyện học sinh đánh bạn trong lớp, nữ sinh đánh ghen lột đồ nhau cũng không phải quá hiếm hoi, nhưng đánh đập, chà đạp và sỉ nhục nhân phẩm bạn của mình như thế, đối với những học sinh cấp hai ngồi trên ghế nhà trường là quá sức tưởng tượng của tất cả mọi người.
Không ai có thể hiểu nổi làm thế nào mà các em học sinh “ăn chưa no lo chưa tới”, ở lứa tuổi đáng ra đầy ngây thơ, trong sáng, thiện tâm như vậy lại nhẫn tâm có những hành vi tàn bạo đến mất nhân tính với người bạn của mình. Huống hồ, lý do đánh người không có gì rõ rệt, cô bé bị đánh lại có hoàn cảnh hết sức đáng thương, đáng cảm thông: Cha bị tâm thần, sống thiếu tình thương của mẹ, sống với gia đình chú ruột.
Thời gian gần đây, nhiều sự việc nghiêm trọng do các bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường gây ra đã khiến dư luận phải thảng thốt: Mới đây nhất, lại một cô bé cấp 2 ở Nghệ An bị các bạn mình bắt quỳ gối, đánh đập tàn tệ. Rồi cách nay không lâu, một nhóm hàng chục nam sinh, trong bữa tiệc sinh nhật đã chuốc rượu bạn nữ cùng lớp rồi hiếp dâm tập thể bạn mình.
Cũng trong khoảng thời gian này, một clip bị phát tán lên mạng xã hội, trong đó quay cảnh một nữ học sinh cấp 3 bị bạn mình cưỡng hiếp trong trạng thái không biết gì. Được biết, trước đó, cũng trong bữa tiệc sinh nhật, nữ học sinh này đã uống say và được bạn chở về. Tuy nhiên người này lợi dụng bạn mình say đã cưỡng hiếp luôn bạn, sau đó quay clip lại gửi lại cho một số bạn bè khác xem. Nữ sinh sau khi biết chuyện vì quá xấu hổ đã năn nỉ các bạn mình xóa clip đi. Sau đó thì clip này được phát tán lên mạng...
Rồi, những sự việc đau lòng khác như học sinh chặn đường đánh thầy giáo, rút thắt lưng quật thầy giáo ngay trên lớp, cầm dao rượt đuổi cha mẹ vì không được cho tiền chơi game...
Hàng loạt sự việc kinh hoàng nói trên khiến người ta đặt ra câu hỏi, tại sao cái ác được đẩy lên đến mức cao như thế. Học trò của những thế hệ trước có đánh nhau, nhưng không ai đánh đến mức lột quần lột áo, chà đạp nhân phẩm bạn mình, nhất là bạn có hoàn cảnh đáng thương, rồi còn biếm nhục bằng cách tung lên mạng. Học trò thời đại nào mà có thể nào hiếp dâm tập thể bạn, quay phim truyền nhau rồi phát tán lên mạng xã hội, làm sao có chuyện đánh thầy ngay trong giờ học và thản nhiên như không...
Đừng dung túng cho cái ác
Trong rất nhiều sự việc kinh hoàng do các bạn trẻ lứa tuổi học trò gây ra, người ta thấy thấp thoáng hình bóng của sự dung dưỡng từ những người lớn. Ở sự việc của cô bé lớp 9 bị bạn bạo hành, đã có sự du di, cố ý để sự việc “có hóa thành không” của rất nhiều người.
Cả cô giáo chủ nhiệm, cả ban giám hiệu nhà trường là những người đã biết sự việc, đã xem clip về những hành vi độc ác với học trò mình, nhưng vẫn bao che cho những đứa trẻ phạm tội, yêu cầu xóa nhẹm clip, phản ảnh không đúng mức độ nghiêm trọng sự việc với phụ huynh em học sinh nạn nhân, để rồi đạt được thỏa thuận chỉ cho nghỉ học “bốn ngày rưỡi” đối với những kẻ đã đánh đập bạn đến mức vô nhân tính.
Ở rất nhiều sự việc, người ta còn thấy thấp thoáng bóng dáng của sự thờ ơ, thiếu sâu sát trong giáo dục gia đình. Rất nhiều vụ việc, khi được thông báo về hành vi tội lỗi của con cái, cha mẹ đều thốt lên: “ở nhà nó ngoan lắm mà”. Nếu thực sự là đứa trẻ ngoan, hiền khó có thể gây ra những hành động tày trời như thế.
Có chăng là các bậc cha mẹ quá thờ ơ, vô tâm, chỉ lướt qua con cái ở bề mặt hành vi chứ không tìm hiểu những chuyển biến tâm lý nơi con để kịp thời uốn nắn những phát triển đạo đức lệch lạc. Đấy là chưa kể đến các bậc cha mẹ con mình “làm gì cũng đúng”, có sai là người khác sai. Con đánh nhau với bạn là đến chửi cả nhà bạn con. Con bị thầy cô phạt thì kéo đến trường hành hung, dọa đưa thầy cô lên mạng...
Từ hành vi mang “tính ác” của những đứa trẻ, thấy rằng có một mối nguy đang “ươm mầm” trong xã hội chúng ta. Xã hội mà có rất nhiều cha mẹ mải mê chạy theo các giá trị về tiền bạc, vật chất mà để quên con trong thế giới riêng của mình, nhiều môi trường giáo dục chỉ trọng điểm số, trọng thành tích mà không mấy quan tâm đến sự phát triển của trẻ. Và trong xã hội ấy, những đứa trẻ có quá nhiều phương tiện để đắm mình vào, để loay hoay trong một thế giới nội tâm phức tạp và dễ lạc lối, sa đọa.
Những câu chuyện như thế là bài học rất đáng để suy ngẫm, nó có lỗi của các em, lỗi của nhà trường, của gia đình và của tất cả chúng ta đã để cái ác “ươm mầm” trong những tâm hồn non trẻ.