Gần 21km đường đèo uốn lượn ôm núi chênh vênh, cửa ải hùng vĩ nhất trên con đường thiên lý Bắc - Nam xưa lâu nay được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Ngay trên đỉnh đèo độ cao gần 500m so với mực nước biển, dấu vết kiến trúc quân sự như một cửa ải quan trọng vẫn còn nhiều cửa đèo và thành lũy đắp ngang.
Thế nhưng hàng chục năm qua, Hải Vân quan không được chăm sóc trùng tu, rơi vào cảnh hoang phế. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa –Thể thao Đà Nẵng cho biết, nguyên cớ quan trọng nhất chính là ranh giới giữa hai địa phương, khiến những động thái liên quan địa danh này trở thành vấn đề “tế nhị” trong mối quan hệ hai tỉnh.
Địa danh mỗi năm đón từ 20 - 30 vạn du khách tham quan, trong đó hơn 1/3 du khách nước ngoài, nhưng vì cảnh “cha chung không ai khóc”, hai cụm kiến trúc gồm “Hải Vân quan” và “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” cứ thế xuống cấp đến 70%. Những mồ mả, công trình xây dựng, hàng quán chen chúc không theo quy hoạch nào…
Mãi đến tháng 4/2017, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch mới chính thức xếp hạng Di tích cấp quốc gia cho Hải Vân quan. Vui mừng, song không ít trăn trở. Ông Hùng kể, đến một người Pháp cũng viết về Hải Vân quan như sau: “Từng ngày, từng giờ, thời gian đang hoàn tất công việc phá hoại của nó. Kỷ niệm đang phai mờ dần trong tâm tư những thế hệ tiếp nối, để rồi đây không còn lại gì nữa, nếu chúng ta không lưu tâm đến việc giữ gìn dấu vết cửa ải đó…”.
|
Toàn cảnh Hải Vân quan |
Năm 1997, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế từng lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cho Hải Vân quan, nhưng chưa được xem xét. Nguyên do vẫn vì cảnh “một duyên hai nợ”. Mười năm sau, hồ sơ này được chuẩn bị lại vào cuối năm 2016, với sự góp sức của hai tỉnh. “Trong lịch sử đề xuất công nhận Di tích Quốc gia từ trước đến nay, lần đầu tiên bộ hồ sơ có tới 20 con dấu của cơ quan chức năng hai địa phương. Trong khi đó một bộ hồ sơ bình thường nhiều nhất cũng chỉ 9 con dấu”, ông Hùng tiết lộ.
10 ngày sau khi Hải Vân quan được công nhận Di tích quốc gia, lãnh đạo ngành văn hóa hai địa phương quyết định gặp nhau giữa đỉnh đèo mù sương bàn bạc bước kế tiếp.
Hôm ấy đang hè, nắng chang chang. Thế nhưng vừa dứt câu phát biểu, cơn mưa rào ập tới, mây mù kéo vào tận nơi mọi người ngồi. Cơn mưa như điềm lành ủng hộ cuộc họp ý nghĩa. Để khẳng định sự hợp tác, cùng nhau vì mục tiêu trùng tu tôn tạo, trả lại giá trị gốc cho di tích, ông Hùng và ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thừa Thiên - Huế bắt tay nhau ngay dưới cửa đèo, trước sự chứng kiến của du khách, người dân, đoàn công tác. Có người gọi đây là “cái bắt tay lịch sử”, mở ra tương lai tươi sáng, làm sống lại Hải Vân quan.
Cứ vài ngày, lãnh đạo Sở lại lên đèo khảo sát tình hình, kiểm tra từng tấm biển “xin đừng vứt rác”, “xin đừng leo trèo”. Một tốp dân phòng hai tỉnh, định kỳ lại ra quân dọn dẹp cây dại hai bên đường. Việc tưởng chừng như đơn giản ấy, phải mấy mươi năm mới làm được.
Hai Sở đã tham mưu cho hai địa phương chỉ đạo công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ, dựng biển giới thiệu, ban hành quyết định phân cấp quản lý. Sắp tới cũng cho di dời, loại bỏ các bộ phận, hạng mục công trình không liên quan, làm bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng…
Ở góc độ khai thác du lịch, ông Hùng cho hay hai địa phương sẽ sớm thiết kế hệ thống thuyết minh, tổ chức các điểm dừng chân cho du khách. Có không gian để ngắm toàn cảnh Đà Nẵng từ trên cao. Có không gian nhìn trọn cụm di tích Hải Vân quan trầm mặc và xa hơn là biển Lăng Cô (Huế) đẹp như một dải lụa. Và đặc biệt chưa bán vé tham quan. Đề phòng khách ái ngại, tại những nơi dành cho khách ngắm cảnh, cơ quan chức năng còn làm hẳn biển ghi rõ: “Free of charge - Miễn phí”, tạo ấn tượng đẹp cho du khách đến đây.
Ông Lại Văn Hà, một người gắn bó với đỉnh đèo Hải Vân gần nửa thế kỷ, hồ hởi ủng hộ: “Huế và Đà Nẵng chứ có phải nước ni nước kia mô đâu mà để di tích đổ nát”. Nhất định Đệ nhất hùng quan sẽ thành điểm đến hấp dẫn với du khách.