Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ trong toàn hệ thống ngân hàng 63 địa phương được tổ chức ngày 12/8.
Áp dụng mô hình quản trị hiện đại
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc triển khai hai Nghị quyết của Chính phủ đối với ngành ngân hàng là hết sức quan trọng.
Thời gian qua, ngành ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực như xây dựng thể chế văn bản pháp luật theo hướng tiếp cận thị trường, hội nhập, tạo sự chủ động cho DN trong tiếp cận dịch vụ, cải thiện đáng kể quan hệ tín dụng DN,...
Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sử dụng công cụ linh hoạt nhạy bén, sử dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính (TTHC). Cụ thể, 5 năm qua, có gần 300 TTHC được ngành ngân hàng rút gọn, cắt bỏ, mỗi năm tiết giảm 10% chi phí TTHC theo mục tiêu cải cách hành chính chung của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý, giải quyết khó khăn cho người dân, DN.
Tại hội nghị, một số ngân hàng thương mại (NHTM) và chi nhánh NHNN các địa phương cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm để triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN.
Ông Lê Công, Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Quân đội (MB) cho biết, để phục vụ khách hàng tốt hơn, tối ưu hóa quản trị, đơn giản các thủ tục, MB đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài nhiều kinh nghiệm hỗ trợ.
Ngân hàng chia tách các mô hình quản lý khá chuyên biệt, gắn với khách hàng mục tiêu, ví dụ như khách hàng lớn, khách hàng vừa và nhỏ… Các chi nhánh, phòng giao dịch chủ yếu tập trung phát triển mạng lưới khách hàng, làm kinh doanh, quản lý rủi ro chặt chẽ…
Tuy nhiên, ông Lê Công cũng cho rằng, các chế độ báo cáo hiện nay còn trùng lặp. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chế độ giám sát, hạn chế bớt các nội dung chồng chéo trong báo cáo của các NHTM.
Dưới góc độ ngân hàng ở địa phương, bà Tô Thị Hậu, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm:trong việc phối hợp với các NHTM rà soát, cắt giảm giấy tờ, đẩy nhanh thời gian xử lý TTHC. Ví dụ, thời gian làm thủ tục, cấp phép kinh doanh vàng, mỹ nghệ đã giảm 5-7 ngày, phấn đấu trong thời gian tới giảm tiếp 1-2 ngày nữa.
Đồng thời, ngân hàng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp với các NHTM tham gia hỗ trợ tín dụng cho sản xuất các sản phẩm đặc thù như trồng cây vải thiều, nuôi gà đồi Yên Thế, các làng nghề truyền thống… Các NHTM rút ngắn thời gian thẩm định cho vay xuống 3 ngày, có trường hợp còn nửa hoặc 1 ngày, thẩm định cho vay trung và dài hạn còn 5 ngày…
Triển khai đồng bộ ở cấp độ cao hơn
Tuy đã đạt kết quả tích cực bước đầu, nhưng Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú vẫn cho rằng, thời gian tới, các yêu cầu của Chính phủ ở mức độ cao hơn, cũng như xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cạnh tranh, hội nhập đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có triển khai hành động mới ở mức độ tương xứng, thực tế vẫn còn nhiều điểm phải tiếp tục cải thiện để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân và DN.
Để triển khai kế hoạch hành động, bảo đảm đúng lộ trình và đạt kết quả cao, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành ngân hàng tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, các đơn vị tại trụ sở chính NHNN thường xuyên theo dõi, nắm bắt những tồn tại, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của DN, qua đó kịp thời nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN.
Phó Thống đốc nhấn mạnh cần phấn đấu cắt giảm 10% chi phí cho TTHC, đồng thời lưu ý, về phía NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cần bám sát chỉ đạo, kế hoạch triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của cấp ủy, chính quyền địa phương để bảo đảm hoạt động ngân hàng trên địa bàn phù hợp với khách hàng, chiến lược phát triển ở địa phương.
Định kỳ họp giao ban với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hoá thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng từ vị trí xếp hạng hiện tại thứ 88 lên vị trí top 30 là nhiệm vụ rất nặng nề. Do đó, ngoài những giải pháp hết sức quyết liệt của toàn hệ thống ngân hàng, rất cần có sự phối hợp triển khai đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi đối với DN…
Đồng thời, bản thân các DN cũng cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cung cấp tín dụng. Tư tưởng chỉ đạo phải hết sức quyết liệt, có sản phẩm cụ thể, chứ không phải hô hào hưởng ứng một cách chung chung.
Khi xây dựng triển khai chương trình hành động phải có tính định lượng cụ thể, trong đó tập trung vào cải cách TTHC, nâng cao năng lực chỉ đạo của NHNN, khả năng quản trị của NHTM; hằng năm đơn giản được bao nhiêu thủ tục, giấy tờ, giảm được bao nhiêu thời gian để hỗ trợ quyết liệt, cụ thể trực tiếp đối với DN, người dân.
Tại Nghị quyết 19, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia của Việt Nam phải thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới. Đồng thời yêu cầu NHNN thực hiện các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho DN, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường…
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai tại Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, ngày 28/6, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, ngành ngân hàng đã xây dựng kế hoạch hành động kịp thời cả về thời gian cũng như nội dung chỉ đạo rất cụ thể với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn.