Điểm qua một số thống kê để thấy được tổng quan bức tranh chung của Hà Nội trong câu chuyện cải tạo, xây lại chung cư cũ (CCC) còn nhiều nan giải.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay gần 1600 chung cư cũ, chiếm hơn 60% trong tổng số CCC của cả nước, phần lớn trong số đó được xây dựng từ khoảng năm 1960 đến năm 1994, cá biệt có một số nhà xây dựng trước năm 1954; Chỉ riêng 4 quận nội thành có tới gần 1000 nhà chung cư. Điều đáng nói, hầu hết các CCC đến nay đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trong, ở mức độ báo động và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.
Việc cải tạo, xây lại chung cư cũ là nhiệm vụ cấp thiết |
Thực tế trên cho thấy, rõ ràng việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, hiệu quả của việc triển khai công tác cải tạo, xây mới chung cư cũ vô cùng chậm trễ và yếu kém.
Cụ thể, Sau gần 20 năm cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, thành phố Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại 19 dự án và hiện đang triển khai 14 dự án, tương đương hơn 1% tổng số CCC; Riêng trong giai đoạn 2014-2021, sau khi Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thi hành, thì không có dự án mới nào được thực hiện.
Nhận thức rất rõ việc cải tạo và xây lại chung cư cũ là nhiệm vụ cấp bách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69 nhằm mục đích tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại CCC ; TP Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà CCC trên địa bàn thành phố, ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐ về việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị, góp phần phát triển đô thị và kinh tế đô thị toàn thành phố trong giai đoạn tới.
Để triển khai mục tiêu kế hoạch đã đề ra, TP Hà Nội sẽ tổ chức tổng rà soát, khảo sát, kiểm định các nhà CCC , phấn đấu hoàn thành công tác này trước quý IV/2023; đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại CCC thuộc thẩm quyền của thành phố, trong đó có các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, hệ số bồi thường K và các cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022… Nguồn vốn ngân sách được bố trí dự kiến là khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các CCC theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69.
Đây được xem là động thái tích cực, là tín hiệu tốt cho thấy việc chính quyền thành phố Hà Nội đang rất quyết tâm trong việc tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại để giải quyết triệt những vấn đề xoay quanh câu chuyện chung cư cũ.
Tuy nhiên, trên thực tế, để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả thì cần phải có một lộ trình rõ ràng, phương pháp khoa học bởi đây là việc nan giải, dài hơi, trong quá trình thực hiện sẽ rất khó khăn đối với người dân, nhà nước và doanh nghiệp.
( Còn nữa)