Cấm đi khỏi nơi cư trú áp dụng trong trường hợp nào?

(PLO) - Chị Mai Thị Hà (Hưng Hà – Thái Bình) hỏi: Con tôi bị khởi tố hình sự trong vụ án cố ý gây thương tích, nhưng chưa bị bắt giam do chưa có kết quả giám định sức khỏe của người bị hại. Vậy, tỷ lệ thương tích có ý nghĩa quyết định như thế nào đến việc tạm giam, khi con tôi phạm tội mới hơn 16 tuổi? 

- Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Nếu con của chị bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS), ở khoản 1 (cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm) thuộc tội ít nghiêm trọng; khoản 2 (mức án từ hai năm đến bảy năm tù) thuộc tội nghiêm trọng; khoản 3 (mức án từ năm năm đến mười lăm năm tù) thuộc tội rất nghiêm trọng. 

Điều 303 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật này, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”.

Căn cứ vào các quy định trên, con của chị có thể bị bắt tạm giam nếu bị khởi tố theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 BLHS; nếu khởi tố theo khoản 1 Điều 104 BLHS, con của chị sẽ bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Đối với các trường hợp đã áp dụng tạm giam, nếu có đủ các điều kiện, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp khác như: bảo lãnh; đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm để thay thế tạm giam.

Đọc thêm