Dân “tố” doanh nghiệp lấn chiếm đất
Trong đơn phản ánh, người dân cho biết, cuối năm 2017, ông Vũ Văn Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh (có địa chỉ tại thôn Đông Giao, xã Lương Điền) triển khai xây dựng nhà xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Trước khi xây, ông Đoàn có hỏi mua đất ruộng 03 của các hộ gồm: hộ ông Hoàng Văn Hiệp, bà Vũ Thị Bạo, ông Vũ Đình Ka và ông Vũ Văn Tư nhưng không được họ đồng ý. Sau đó, ông Đoàn đã cố tình xây dựng nhà xưởng và đổ cát vào ruộng đất 03 của các hộ trên.
Nhà xưởng của Công ty TNHH Hoàng Anh bị tố lấn chiếm và đổ cát lên đất ruộng 03 của các hộ dân |
Bức xúc trước việc này, các hộ đã nhiều lần đến làm việc với ông Đoàn, mang theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh đất của nhà mình nhưng không được vợ chồng ông Đoàn hợp tác giải quyết. Sự việc được phản ánh sự việc lên chính quyền địa phương song không được giải quyết thỏa đáng.
Ông Vũ Văn Tư, một trong những hộ bị lấn chiếm cho biết, đất 03 của các hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1998, có diện tích, số thửa, số bản đồ rõ ràng. Nhưng khi họ có ý kiến, ông Đoàn lại cho rằng phần đất ông xây dựng nhà xưởng đã được Nhà nước giao cho. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì khẳng định “chưa thể” xác định được phần đất mà ông Đoàn lấn chiếm của dân.
“Cực chẳng đã, vào ngày 20/5/2018, chúng tôi nhờ người có kinh nghiệm để đo đạc diện tích, chỉ mốc đất đai của mình và phát hiện tổng cộng phần diện tích ông Đoàn lấn chiếm của 4 hộ là 266m2. Phần diện tích đất còn lại cũng bị ông Đoàn cho đổ cát gần hết xuống ruộng của chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi có ý kiến, ông Đoàn liên tục khất quanh, không xử lý”, ông Tư cho biết.
Chưa hết, ông Vũ Hữu Khuê, người được vợ chồng ông Hoàng Văn Hiệp ủy quyền giải quyết vụ việc còn “tố”, ngoài hành vi lấn chiếm đất ruộng của người dân, ông Đoàn còn tiến hành cho đấu nối đường điện cáp ngầm ngay trên phần đất lấn chiếm, từ chân điểm đấu nối của trạm biến áp gần đó vào đến máy biến áp của doanh nghiệp.
Ông Khuê thông tin, không rõ việc đấu nối điện của công ty ông Đoàn đã đúng quy trình và được cấp có thẩm quyền cho phép hay chưa nhưng vừa qua, khi đại diện Điện lực huyện Cẩm Giàng xuống công ty của ông Đoàn để nghiệm thu công trình và đấu nối điện theo đề nghị của công ty, rất nhiều hộ dân đã nhất quyết không đồng ý cho họ đấu nối với lý do: khi nào thỏa thuận đền bù xong cho các hộ dân thì mới được đấu nối điện cho công ty.
Ông Đoàn còn bị tố khi đấu nối đường điện cáp ngầm gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh |
“Từ điểm đấu nối chạy ra đến đường nông thôn mới rồi cắt đoạn đường này là đất do UBND xã quản lý nhưng từ sau đường nông thôn mới vào tới trạm biến áp của công ty là chạy qua phần đất của gia đình ông Nguyễn Văn Ngần thuê trồng sen và quản lý. Ban đầu, ông Ngần và ông Đoàn có ký một văn bản xác nhận về việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho đường điện cáp ngầm chạy qua nhưng nay thấy đường điện này có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh, ông Ngần không đồng ý nữa nhưng ông Đoàn vẫn triển khai khiến người dân rất bức xúc và mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ, giải quyết thỏa đáng cho nhân dân”, ông Khuê cho biết.
Doanh nghiệp “tố” ngược lại: “chúng tôi mới bị lấn chiếm đất”
Nhằm làm rõ sự việc người dân phản ánh, tại buổi làm việc với ông Vũ Văn Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh, ông Đoàn lại cho rằng chính dự án xây dựng nhà xưởng của ông đã bị các hộ dân lấn chiếm đất đai và khẳng định ông không hề lấn chiếm đất đai của các hộ như phản ánh, đây chỉ được coi là tranh chấp mốc giới.
Theo ông Đoàn, dự án của ông được thực hiện từ năm 2009 nhưng đến năm 2013, 2014 mới xong phần giải phóng mặt bằng. Dự án không thuộc diện thu hồi đất mà do các bên tự thỏa thuận mua bán với nhau. “Việc người dân phản ánh tôi xây dựng lấn chiếm là không có cơ sở khi bản thân dự án của tôi hiện cũng còn thiếu 249 m2 đất nhưng nếu đo đạc rõ ràng ra sẽ gây rạn nứt tình cảm bà con láng giềng với nhau. Vì vậy, để không “mất lòng” nhau, tôi cũng đang giải quyết, thương thảo với các hộ và hướng tới chọn phương án tối ưu nhất là sổ đỏ của các hộ dân có diện tích bao nhiêu chúng tôi sẽ bồi thường cần đó hoặc giá bồi thường có thể sẽ cao hơn với mức bình thường”, ông Đoàn nói.
Ông Vũ Văn Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh, người bị các hộ dân thôn Đông Giao tố cáo |
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Lương Điền cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã mời các bên lên xã để tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, giữa các bên vẫn chưa thống nhất được với nhau. Hiện nay, việc xác định mốc giới của các hộ là khó khăn khi người dân nhiều năm nay đều bỏ ruộng không canh tác, nước ngập hết ruộng nên họ đã cho người khác thuê để trồng sen.
Trước phản ánh về việc ông Đoàn tiến hành đấu nối đường điện cáp ngầm gây nguy hiểm, ông Tâm cho rằng việc chôn cáp ngầm không ảnh hưởng. Hơn nữa, trước khi đấu nối điện, ông Đoàn đã hỗ trợ cho thôn 40 triệu đồng, người trồng sen 15 triệu đồng và xóm có đường điện đó đi qua 12 triệu đồng để làm đường. Về phía xã, xã tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án, nhưng thực hiện ra sao thì doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận, phối hợp với nhau. “Trường hợp việc hòa giải không thành, xã sẽ báo cáo cấp trển để phối hợp giải quyết hoặc hướng các bên ra tòa phân xử với nhau”, ông Tâm nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Cẩm Giàng cho biết, vào năm 2009, UBND huyện đã chấp thuận dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của hộ gia đình ông Vũ Văn Đoàn. Diện tích dự kiến khoảng 7.970 m2 tại lô 06 và 07, khu đất kinh doanh dịch vụ thương mại xã Lương Điền (đã được UBND huyện Cẩm Giàng phê duyệt Quy hoạch tại quyết định số 1465/QĐ-UBND ngày 31/12/2008). Đến năm 2013, huyện cũng quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình ông Đoàn thuê đất (lần 1) tại xã Lương Điền.\
Trước phản ánh của người dân, huyện Cẩm Giàng đã có chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đôn đúc ông Đoàn khẩn trương giải phóng mặt bằng, thỏa thuận bồi thường cho các hộ dân để sớm hoàn thiện dự án của mình. Trường hợp các bên không thống nhất được với nhau, huyện sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, các hộ dân thôn Đông Giao vẫn đang tiếp tục kiến nghị các cấp chính quyền sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề còn bất cập trong quá trình triển khai, xây dựng cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của ông Vũ Văn Đoàn cũng như có hướng giải quyết thỏa đáng cho quyền lợi về đất đai của người dân nơi đây.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin.