Nhiều đồng bào trong đó có tôi rất băn khoăn, trăn trở. Mới đây, ngày 15/12/2017 tại Trường Tenlơman, Sở Văn hóa Thể thao TP HCM thông báo về việc đề nghị UBND TP HCM công nhận Trường Tenlơman là di tích lịch sử cấp Thành phố. Tuy nhiên, do công trình metro ngầm có thể kéo dài từ đầu đường Lê Lợi trước Nhà hát thành phố đến đoạn đường Trần Hưng Đạo trước cổng Trường Tenlơman, nên chỉ có thể giữ lại tòa nhà chính của Trường, riêng dãy nhà phụ phía sau có thể bị đập phá.
Cách đây 72 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65 về bảo tồn di tích. Năm 2001 Nhà nước ta ban hành Luật Di sản. Điều đó minh chứng việc bảo tồn di tích, di sản văn hóa dân tộc là rất quan trọng đối với thế hệ hiện nay và mai sau.
Hơn nửa thế kỷ trước, trong điều kiện Đảng còn phải hoạt động bí mật, Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thọ- đảng viên Cộng sản được phân công hoạt động công khai với danh nghĩa Trưởng phái đoàn đại diện các giới Sài Gòn – Chợ Lớn được đông đảo các giới đồng bào ủng hộ. Ngày 19/3/1950, tại Trường Trung học Tôn Thọ Tường (nay là Trường Tenlơman), LS Nguyễn Hữu Thọ kêu gọi các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đấu tranh chống xâm lược, lên tiếng phản đối sự có mặt của Mỹ.
Mặc dù cuộc đấu tranh chính nghĩa 19/3/1950 bị địch đàn áp nhưng các cuộc mít tinh, diễu hành vẫn nổ ra ở khắp thành phố Sài Gòn, tiến ra tận bến Bạch Đằng. Có thể nói gần như cả thành phố xuống đường với khẩu hiệu “đả đảo Mỹ”, làm cho chính quyền tay sai khiếp sợ. Tối hôm đó, hai tàu chiến Mỹ đành lặng lẽ nhổ neo cút khỏi Sài Gòn. Sự kiện 19/3/1950 có tầm cỡ quốc tế được báo Le Monde của Pháp đăng tải. Vô cùng tức tối trước sự phản đối công khai của LS Nguyễn Hữu Thọ, buổi tối 19/3/1950 giữa lúc gia đình, trong đó có tôi đang ăn cơm, địch đã bắt LS Nguyễn Hữu Thọ, giam tại bót Catinat (nay là trụ sở của Sở Văn hóa Thể thao TP HCM) và ra lệnh đóng cửa Văn phòng LS, giải tán phái đoàn đại biểu các giới có trụ sở ở 152 đường De Gaulle (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Sau đó chúng đày LS ra tận bản Giẳng (Mường Tè, Lai Châu). Trước sự phản đối của các giới đồng bào Sài Gòn, LS Nguyễn Hữu Thọ được thả về Sài Gòn. Sau khi Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève 1954 được ký kết. Cũng vào thời điểm này, đế quốc Mỹ bắt đầu tiến hành xâm lược miền Nam, LS Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn đấu tranh đòi Mỹ thi hành Hiệp định Genève. Địch lại bắt LS và đày ải đến tận miền núi ở Hòa Thịnh, tỉnh Phú Yên trong hơn 7 năm trời. Đến ngày 30/10/1961, theo chỉ thị của Trung ương và Bác Hồ, lực lượng võ trang giải phóng Khu 5 đã giải thoát thành công LS bị địch cầm tù suốt 4000 ngày. Tháng 2/1962 LS Nguyễn Hữu Thọ từ trưởng phái đoàn đại biểu các giới Sài Gòn – Chợ Lớn đã chính thức trở thành Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để lãnh đạo toàn quân và dân miền Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Với sự chi viện chí tình, chí nghĩa của đồng bào ruột thịt miền Bắc, nhân dân miền Nam đã cùng cả nước làm nên lịch sử 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Vì vậy, sự kiện lịch sử ngày 19/3/1950 tại Trường Tôn Thọ Tường (nay là Trường Tenlơman) rất xứng đáng được công nhận là Di tích cấp quốc gia hoặc ít nhất là di tích cấp TP HCM, vì đó là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam với sự đồng tình ủng hộ của tất cả các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Nhân Ngày hội đại đoàn kết dân tộc 18/11/2017 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Có những lúc chỉ thấy hoạt động của Mặt trận mà không thấy hoạt động của Đảng (vì phải hoạt động bí mật) trong suốt thời gian dài từ năm 1945 đến năm 1975. Những năm kháng chiến chống Pháp, hiện diện Mặt trận Việt Minh và Bác Hồ. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 30 năm ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời năm 1960, lúc đó chưa có Đảng nhân dân cách mạng miền Nam. Do vậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là người tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, hình thành Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam để đoàn kết toàn dân tộc đánh thắng giặc Mỹ”. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng khẳng định: “LS Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại, đã hy sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam ta đời đời sẽ nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng ấy”. Và ngày 18/2/2014 Bộ Chính trị ra Quyết định 88/KL-VN công nhận Quyền chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ là 1 trong 19 lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.