Cận cảnh Chùa Cầu Hội An sau 10 tháng 'đại trùng tu'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 10 tháng được “đóng thùng” để trùng tu, đến nay, dự án tu bổ Chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam) đã hoàn thành việc quét 3D toàn bộ di tích, hạ giải hệ mái ngói âm dương, hệ khung gỗ và gia cố hệ móng, mố, trụ.

Chùa Cầu (còn gọi là cầu Nhật Bản, Lai Viễn kiều) là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn hiếm thấy trên thế giới. Trải qua 4 thế kỷ cùng sự biến thiên của lịch sử, xã hội, chùa Cầu vẫn là biểu tượng đặc trưng của đô thị cổ Hội An (Quảng Nam).

Dù đã qua 7 lần sửa chữa trước đây, nhưng trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là phần mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột và kèo bị hỏng nặng. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh, không thể khớp với nhau. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa...

Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án tu bổ di tích Chùa Cầu với tổng kinh phí 20,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An chi 50%. Dự án được khởi công từ ngày 28/12/2022, dự kiến thi công trong 360 ngày.

Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư; Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện; Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Ngoài ra, dự án có sự chung tay hỗ trợ của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cơ quan quản lý của Việt Nam và Nhật Bản.

Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm… Quá trình tu bổ có lắp đặt nhà bao che để bảo quản di tích, bảo vệ công trình và phục vụ công tác thi công, đảm bảo giao thông qua lại.

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, sau 10 tháng thi công, đến nay dự án đã hoàn thành việc hạ giải công trình, gia cố phần móng và chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất là đưa ra giải pháp kỹ thuật để tiến hành tu bổ, phục hồi di tích Chùa Cầu, đảm bảo đúng quan điểm, nguyên tắc trùng tu.

Nhằm thực hiện hiện tốt nhất việc trùng tu, mới đây, UBND TP Hội An tổ chức buổi khảo sát, sau đó là tọa đàm về tu bổ di tích Chùa Cầu nhằm tham vấn các chuyên gia trong nước và quốc tế đối với từng vấn đề kỹ thuật cụ thể, củng cố các kết quả khảo sát, nghiên cứu. Dự kiến dự án tu bổ di tích Chùa Cầu sẽ được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 24 năm Khu phố cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 4/12/2023).

Dàn mái che Chùa Cầu sau khi tháo dỡ.

Phần trang trí mái Chùa Cầu được tháo dở, bao bọc lại cẩn thận để tránh nứt gãy.

Đơn vị thi công gia cố lại phần móng Chùa Cầu cho vững chắc nhất.

Trong 10 tháng trùng tu, Chùa Cầu vẫn thu hút lượng lớn du khách tham quan với những hình ảnh được trưng bày ngay tại nơi đang được khoanh vùng để thực hiện công tác tu bổ.

Đọc thêm