Cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các hành vi buôn bán hàng giả

(PLVN) -Trước thực trạng tất cả các sản phẩm hàng hoá đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các đại biểu cho rằng cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là nội dung được tao đổi tại Hội thảo “Chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống – thực trạng và giải pháp” do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội tổ chức sáng 14/6.

Tình hình buôn bán hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trong những năm qua công tác chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT luôn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích người dân, bảo vệ an ninh trật tự và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tình hình thực tế, tình hình buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

Theo ông Đặng Văn Dũng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ chế chính sách còn bất cập, sơ hở bị các đối tượng xấu lợi dụng; sự vào cuộc của một số bộ, ngành chưa thực sự quyết liệt; các trang thiết bị được đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới; ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân, người tiêu dùng, nhà sản xuất, các tổ chức kinh doanh chưa cao.

Theo Báo cáo tổng kết về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, kết quả phát hiện, xử lý, bắt giữ của các bộ, ngành, các lực lượng chức năng và địa phương là 146.678 vụ vi phạm, chỉ tính riêng vi phạm về sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT là 5464 vụ việc tăng 48% so với cùng kỳ, đây là một con số đáng báo động về vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Theo đánh giá Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, khác với trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. Hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hoá đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền SHTT do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng. Ở Việt Nam, nguồn hàng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được xác định bởi hàng hoá nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược…

Tăng cường hợp tác trong công tác chống hàng giả

Thời gian tới, để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trong tình hính mới, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nêu rõ, về cơ chế chính sách, các Bộ, ngành cần khẩn trương ban hành mới, sửa đổi bổ sung chỉnh lý các văn bản đã được đề cập, tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đối với các văn bản hướng dẫn việc kiểm tra, xử lý đối với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT cần được quan tâm, hướng dẫn thực hiện chi tiết, tránh chồng chéo, không rõ ràng, gây khó khăn cho lực lượng thực thi trong quá trình thực thi.

Ông Nguyễn Thanh Bình Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, ông Đỗ Hồng Trung, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Chu Xuân Kiên, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội chủ trì Hội thảo (từ trái qua phải).

Đồng thời, cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi, lưu chứa, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; bổ sung kinh phí để mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, kinh phí tiêu huỷ hàng hoá, xây dựng kho bãi, bảo quản tang vật, vật chứng của các vụ án, vụ việc. Xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng để đảm bảo việc điều tra, kiểm tra xử lý được kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền, chất lượng và tần suất tuyên truyền ở các cấp, địa phương về sự ảnh hưởng, cũng như tác hại của việc sử dụng hàng bị xâm phạm quyền SHTT, hàng giả đến người dân.

Đồng thời, các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, nền tảng xã hội chấp hành nghiêm chủ trương chính sách pháp luật hiện hành, tăng cường nhân sự, thực hiện rà soát, đánh giá rủi ro đối với các tài khoản đăng ký bán hàng. Thực hiện cảnh báo và có chế tài xử lý đối với các gian hàng đăng ký vi phạm. Kiên quyết thực hiện xoá tài khoản, gỡ sản phẩm vi phạm, thực hiện thông báo rộng rãi để người tiêu dùng tránh rủi ro. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần chủ động trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu bằng cách, thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả vào sản phẩm.

Ông Trần Anh Mạnh, đại diện Công ty TNHH một thành viên Hoá chất 21 (Z21) phát biểu tại tọa đàm.

Tại Hội thảo, ông Trần Anh Mạnh, đại diện Công ty TNHH một thành viên Hoá chất 21 (Z21) cho rằng, để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới chất lượng sản phẩm, số lượng sản phẩm sản xuất phải đáp ứng được nhu cầu thị trường; mẫu mã sản phẩm dễ nhận diện, dễ truy xuất nguồn gốc, phát triển hệ thống rộng khắp đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân. Đối với các cơ quan nhà nước, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT; tích cực đấu tranh các hành vi buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT và có giải pháp giải quyết kịp thời.

Một số đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe 2 bánh Việt Nam cho rằng cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chức năng và hợp tác giữa cơ quan chức năng với các chủ thể quyền; tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết người dân về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT, đặc biệt tuyên truyền nhận thức cho các thương nhân, đơn vị cung cấp, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT để nhận thức và chấm dứt hành vi; đặc biệt các cơ quan lập pháp cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính; gỡ bỏ giới hạn tối đa mức xử phạt với các hành vi vi phạm.

Một số hình ảnh tại triển lãm hàng giả:

Đọc thêm