Căn cứ Bộ luật chưa có hiệu lực để đình chỉ vụ án

(PLO) - Mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 chưa có hiệu lực pháp luật nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) vẫn dùng làm căn cứ đình chỉ một vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu hình sự khi người bị nạn thương tích tới 50% sức khỏe.
Quyết định khởi tố của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa đối với Nguyễn Phúc Tuấn
Quyết định khởi tố của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa đối với Nguyễn Phúc Tuấn

Chạy từng bữa ăn sau tai nạn

Trong đơn gửi Báo PLVN, anh Nguyễn Văn Tuyên (33 tuổi, ngụ xóm 4, thôn Thượng, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) trình bày: Ngày 8/3/2015, mẹ anh là bà Nguyễn Thị Nga (62 tuổi) đang đi xe đạp trên QL21B, thuộc địa bàn thôn Thượng, xã Phù Lưu thì bất ngờ bị Nguyễn Phúc Tuấn (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) điều khiển xe gắn máy cùng chiều chạy với tốc độ cao đâm vào và kéo lê nhiều mét trên mặt đường.

Hậu quả vụ tai nạn khiến mẹ anh Tuyên bất tỉnh. Rất may bà Nga đã được người dân địa phương kịp thời chuyển tới Bệnh viện Việt Đức cấp cứu nên không thiệt mạng. Theo chẩn đoán, bà Nga bị chấn thương sọ não, tụ máu não và gãy chân trái hai đoạn. Sau hơn một tháng điều trị, bà Nga mới được xuất viện, nhưng do chấn thương quá nặng, phục hồi rất chậm nên đến nay bà Nga vẫn chưa thể đi lại được. 

“Kể từ ngày mẹ tôi lâm nạn, đời sống gia đình gặp vô vàn khó khăn, túng thiếu. Hầu như tất cả những tài sản có giá trị trong nhà sau nhiều năm làm ăn tích cóp đều phải bán để lấy tiền thuốc thang, chữa trị cho mẹ tôi. Bản thân bố tôi cũng mắc bệnh hiểm nghèo (đã bị mổ não), thần kinh không ổn định, khiến gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, kiệt quệ. Đến nay, do không còn bám víu vào đâu, gia đình tôi phải chạy vạy, vay mượn, cậy nhờ tất cả vào những người thân quen, bà con chòm xóm để có được bữa no, bữa đói qua ngày”, anh Tuyến ngao ngán.

Anh Tuyên cho biết, sau khi xảy ra tai nạn, Công an huyện Ứng Hòa có tới Bệnh viện Việt Đức gặp bà Nga để lấy lời khai. Tuy nhiên, bản khai báo này bà Nga không được ký xác nhận cũng không có một ai trong gia đình anh Tuyên được ký. Sau lần đó, cơ quan chức năng chưa lần nào triệu tập bà Nga lên lấy lời khai để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn cũng như xác định lỗi của các bên. Trong khi đó, người gây ra tai nạn cho bà Nga từ đó đến nay chưa tới chia sẻ khó khăn, bồi thường cho bà Nga. Thậm chí, ông Thế (bố đẻ Nguyễn Phúc Tuấn - người gây tai nạn) bất chấp sự thật khách quan, hùng hồn tuyên bố bà Nga là người “có lỗi”.

Trong khi sự thực là vào thời điểm xảy ra tai nạn, Nguyễn Phúc Tuấn điều khiển xe gắn máy chạy rất nhanh, do không làm chủ được tốc độ nên đã đâm vào bà Nga khi bà đang đi xe đạp cùng chiều, sát lề đường. Những người chứng kiến hiện trường vụ tai nạn đều cho biết, lúc xảy ra tai nạn, Nguyễn Phúc Tuấn đang trong tình trạng người nồng nặc mùi rượu bia.

Lấy căn cứ chưa có hiệu lực để đình chỉ vụ án

Giữa tháng 6/2016, gia đình bà Nguyễn Thị Nga nhận được Thông báo số 48 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa sau nhiều lần khiếu nại, với nội dụng: Ngày 28/12/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” số 11, xảy ra ngày 8/3/2015 tại Km 36+600, quốc lộ 21B, thuộc địa phận thôn Thượng, Phù Lưu, Ứng Hòa, Hà Nội.

Quá trình điều tra xác định: Nguyễn Phúc Tuấn có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tổn hại 50% sức khỏe cho bà Nguyễn Thị Nga. 

Điều đáng ngạc nhiên là cũng tại Thông báo số 48 ngày 16/6/2016 do Thượng tá Nguyễn Bá Ngọc - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa ký lại kết luận: “Theo quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 hành vi của Nguyễn Phúc Tuấn chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa quyết định “đình chỉ điều tra vụ án”.

Theo anh Tuyên, việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa căn cứ vào Điều 260 BLHS năm 2015 để đình chỉ điều tra vụ án là trái với quy định của pháp luật hiện hành. Bởi lẽ, vụ án xảy ra trước 8 tháng 18 ngày, trước khi BLHS năm 2015 ra đời ngày 27/11/2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016).

Ngoài ra, theo Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 năm 2016 thì BLHS số 100/2015/QH13 sẽ được sửa đổi, bổ sung một số điều và trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra vào cuối năm 2016. Do đó, Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành BLHS số 100/2015/QH13 và tiếp tục áp dụng BLHS số 15/1999/QH10, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo quy định tại tiết b phần 4.1, mục 4 phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 202 BLHS thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ: “Gây tổn hại sức khỏe của một đến hai người với tỉ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên” phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, bà Nga bị tổn hại sức khỏe tới 50%.

“Động thái này của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa chẳng khác nào cố tình dung túng, bao che, lấp liếm hành vi phạm tội cho Nguyễn Phúc Tuấn”, anh Tuyên bức xúc. 

Không đồng tình với Thông báo số 48 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa, gia đình anh Tuyên ngay lập tức có đơn phản bác gửi các cơ quan chức năng. Do đó, ngày 27/9/2016, VKSND huyện Ứng Hòa đã có Quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án của Công an huyện Ứng Hòa. 

Và dường như nhận thấy sai sót, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ứng Hòa đã ra quyết định phục hồi điều tra, hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự trước đó; đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can (số 137) đối với Nguyễn Phúc Tuấn về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Đọc thêm