Khai hoang mấy chục năm vẫn không có đất chôn, con cháu mang quan tài cha lên trụ sở xã 'khiếu nại'

(PLO) -Sự việc xảy ra vào sáng 29/7 khiến người dân khu vực trung tâm chợ Mỹ Quới (xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) rúng động. Người cha qua đời ở tuổi 90, dù đã chuẩn bị sẵn nơi yên nghỉ từ mấy chục năm trước nhưng vẫn bị hàng xóm tranh chấp. Cuối cùng, con cháu người chết phải di chuyển quan cha đến trụ sở UBND xã xin nơi chôn cất.
 Quan tài cụ Thuận giữa nắng ngày 29/7
Quan tài cụ Thuận giữa nắng ngày 29/7

Hai đời chật vật tìm nơi an táng

Theo trình bày của bà Đoàn Thị Bế (SN 1964, ngụ ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới): Năm 1976, cha bà là cụ Đoàn Vĩnh Thuận (Bảy Thuận, SN 1926) đưa gia đình về quê ngoại ở xã Mỹ Quới sinh sống. Lúc đó vùng đất này còn hoang vu, chưa nhiều người ở. Cụ Thuận và gia đình khai hoang phần đất có diện tích khoảng 3.900m2 tại địa chỉ trên. 

Đến năm 1983, do nhu cầu đào kênh thủy lợi nên lãnh đạo xã Mỹ Quới động viên cụ Thuận hiến cho xã một phần trong diện tích trên, cụ Thuận đồng ý. Khi đó, kênh thủy lợi được đào ở giữa nên phần đất của cụ Thuận bị chia làm hai mảnh (một mảnh có diện tích 1.300m2 giáp với đất ông Dương Minh Trắng, người cùng địa phương; mảnh còn lại 2.600m2).

Năm 1989, cụ Thuận nhượng lại cho một người cùng địa phương phần đất có diện tích 2.600m2; phần còn lại cụ Thuận quản lý, sử dụng. 

Vào khoảng những năm 1998-1999, xã cho người đến thỏa thuận với cụ Thuận nhượng lại phần đất 1.300m2 cụ đang sử dụng để làm bãi rác, nhưng cụ không chịu vì để dành làm nơi chôn cất người thân trong gia đình khi qua đời.

Đến năm 2004, ông Dương Minh Trắng hàng xóm cho rằng phần đất bờ kênh là của gia đình ông nên phát sinh tranh chấp. Hòa giải tại xã không thành.

Năm 2010, ông Trắng trồng cây trên phần đất tranh chấp nói trên, gia đình cụ Thuận ngăn cản, báo cho chính quyền nhưng không được can thiệp.

Ngày 15/6/2016, cháu nội cụ Thuận bị bệnh qua đời, gia đình an táng trên phần đất cụ Thuận đang quản lý, sử dụng thì bị gia đình ông Trắng ngăn cản, với lý do diện tích đất này đã được chính quyền cấp sổ đỏ cho gia đình ông Trắng. 

Gia đình cụ Thuận báo cho UBND xã Mỹ Quới và đi xin đất người khác để chôn cất cháu, chờ phân xử của cơ quan chức năng.

Ngày 27/7/2016, cụ Thuận qua đời ở tuổi 90. Theo di nguyện của cụ, gia đình chuẩn bị chỗ an nghỉ cho cụ ngay trên mảnh đất dày công khai phá từ năm 1976. Nhưng khi ra dọn chỗ thì bị nhà ông Trắng ngăn cản quyết liệt. Bà Bề đã đến UBND xã Mỹ Quới trình báo. 

Một người trong gia đình ông Trắng đập phá huyệt mộ cụ Thuận
Một người trong gia đình ông Trắng đập phá huyệt mộ cụ Thuận

Nai lưng khai hoang lại bị hàng xóm giựt đất, phá mộ? 

Vào lúc 14h ngày 27/7, UBND xã Mỹ Quới họp giải quyết vụ việc. Tại cuộc họp, các cán bộ địa phương đã nêu ý kiến. Nhiều người cho rằng năm 2004 hai bên chỉ tranh chấp cái bờ (kênh), không phải nguyên diện tích hiện nay. Vấn đề đặt ra là: “Tại sao năm 2004 chỉ tranh chấp cái bờ, nhưng hiện nay lại tranh chấp cả phần đất ruộng”?

Một số người lật lại quá khứ, trước đây đất hoang, khi nhà nước mở đường, ông Trắng có cản trở không? Tại sao nhà nước lại vận động cụ Bảy Thuận hiến đất? 

Cuối cùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Quới Võ Hoàng Kiếm có ý kiến: “Theo xem xét hồ sơ tranh chấp thì các cán bộ trước đây đều xác nhận là đất của ông Bảy Thuận (xác nhận của cán bộ do bà Bề cung cấp), còn ông Trắng cũng có chứng cứ cho rằng đất của mình.

Xét thấy gia đình bà Bế quá khó khăn không còn đất, động viên ông Trắng nhượng lại một phần đất để chôn cất ông Thuận; ông Trắng chỉ sử dụng phần đất bờ kênh (ngang 5m, dài khoảng trên 55m), còn phần đất dưới ruộng nhường lại cho bà Bế sử dụng”. 

Tuy nhiên, ông Trắng không đồng ý vì cho rằng sổ đỏ diện tích đất đó là của ông. Kết quả buổi họp, UBND xã Mỹ Quới quyết định: “Nguyên đơn (bà Bế) không được chôn cất; bị đơn không được trồng trọt, đốn cây”. Quyết định này đưa ra được ông Trắng thống nhất.

Bà Bế nói trong nước mắt: “Cha chết nằm đó không có đất chôn, dù đất cha tôi đã chuẩn bị sẵn từ mấy chục năm trước. Cha tôi nai lưng khai hoang phần đất như trên nhưng cuối cùng lại bị giựt mất luôn”.

Một người con khác của cụ Thuận kể: Quá bức xúc, gia đình phải chạy đôn chạy đáo lên UBND xã nhờ can thiệp để được chôn cụ Thuận trên phần đất đang bị ông Trắng tranh chấp. Cuối cùng, UBND xã cũng giải quyết bằng cách đồng ý cho chôn, nhưng yêu cầu gia đình cụ Thuận làm cam kết: nếu sau này xử lý, phía ông Trắng thắng kiện thì gia đình phải bốc mộ cụ Thuận khỏi diện tích đất đó. Sau khi viết cam kết, các con cụ Thuận bắt tay xây huyệt mộ cho cha. Phía ông Trắng không phản đối.

Theo lời con cụ Thuận, ngày 28/7, khi đã xây xong phần thô, một thượng tá công tác tại Công an thị xã Ngã Năm xuất hiện, yêu cầu ngừng xây mà không giải thích rõ lý do. Sau đó, ông này cùng một số người mặc thường phục ra nơi xây mộ, vợ con ông Trắng cùng đi theo. Một người mặc thường phục nói với gia đình cụ Thuận: “Đừng manh động, cứ bình tĩnh để cơ quan chức năng giải quyết”. 

“Nhưng khi vợ con ông Trắng xông vào đập phá huyệt mộ, chúng tôi yêu cầu công an ngăn cản thì những người này lại làm ngơ, để rồi cuối cùng huyệt mộ cha tôi bị gia đình ông Trắng đập tan tành, san bằng phẳng”, một người con cụ Thuận bức xúc.

Bà Bế bên di ảnh cha
 Bà Bế bên di ảnh cha

Nỗi bất bình của người dân

Theo kế hoạch, ngày 29/7, gia đình và bạn bè sẽ đưa cụ Thuận đi an táng, nhưng không biết chôn cất ở chỗ nào. Vì vậy, sáng 29/7, rất đông người dân ở chợ Mỹ Quới đã cùng gia đình cụ Thuận đưa quan tài cụ lên thẳng trụ sở UBND xã Mỹ Quới để xin chỗ chôn cất, nhưng không được giải quyết. Con cụ Thuận lại chạy lên UBND thị xã Ngã Năm kêu cứu, cũng không có kết quả.

Cuối cùng, không thể  ngồi nhìn quan tài cha phơi mưa phơi nắng, con ông Thuận chạy lên cấu cứu UBND tỉnh Sóc Trăng. Sau khi nghe trình bày, cán bộ tiếp dân của UBND tỉnh Sóc Trăng hứa sẽ đề nghị chính quyền thị xã Ngã Năm và các cơ quan chức năng can thiệp để cụ Thuận có nơi yên nghỉ. 

Cho đến khoảng 18 giờ ngày 29/7, thị xã Ngã Năm mới có phương án chấp thuận cho gia đình đưa cụ Thuận về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ngã Năm, cách nhà khoảng 20km. Đến khuya 29/7, công việc an táng mới hoàn tất trong nỗi đau buồn của người thân.

Bà Lê Thị Nĩ (65 tuổi, hàng xóm của cụ Thuận) cho biết: “Bà con chúng tôi ở đây ai cũng biết đất đó do cụ Thuận khai phá, quản lý, sử dụng, không hiểu sao sổ đỏ lại cấp cho ông Trắng? Một người như ông Thuận có chút đất làm nơi chôn cất cũng bị rơi vào tay người khác.

Tỉnh và Trung ương về đây tổ chức họp dân, bà con chúng tôi sẽ đứng ra làm chứng cho gia đình ông Thuận. Chị gái tôi ở cạnh bên đất của cụ Thuận từ mấy chục năm nay cũng biết điều đó”.

Một người dân khác bày tỏ: “Bà con chúng tôi rất bất bình khi công an thị xã không hiểu vì sao lại đến yêu cầu gia đình cụ Thuận không được xây huyệt mộ cho cụ trên phần đất đó, lại làm ngơ khi vợ con ông Trắng đập tan tành huyệt mộ một cách tàn nhẫn như vậy”. 

Người dân cũng bày tỏ nỗi ngờ vực,  phải chăng vì ông Trắng là đại gia kinh doanh vật liệu xây dựng, có lò giết mổ heo, có con là sĩ quan nên được ưu ái?

Được biết, cụ Thuận là cựu chiến binh từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có một con trai là liệt sĩ, có con trai và con dâu là thương binh; gia đình có công cách mạng. Người dân và con cháu cụ Thuận đều mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, giải quyết vụ tranh chấp trên.

Đọc thêm