Các chính sách pháp luật về ĐKTS thời gian qua đã ghi nhận khá đầy đủ các cơ chế, chính sách xây dựng, hình thành và phát triển hệ thống ĐKTS tại Việt Nam, tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống ĐKTS. Đồng thời góp phần mở rộng, phát triển nhanh các phương thức đăng ký trực tuyến đối với đăng ký quyền sở hữu, đăng ký biện pháp bảo đảm; góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch và tiếp cận thông tin thuận lợi, dễ dàng; tạo được cơ chế pháp lý tương thích với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Đặc biệt, còn tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho Tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp các vụ kiện liên quan đến tài sản, giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình.
Tuy nhiên, pháp luật về ĐKTS còn thiếu nguyên tắc và định hướng chung khi xây dựng, hoàn thiện pháp luật về ĐKTS mà theo thông lệ, kinh nghiệm lập pháp của thế giới về ĐKTS đều hướng đến. Chưa có cơ sở pháp lý về đăng ký đối với một số loại quyền khác không phải là quyền sở hữu đối với tài sản bao gồm quyền hưởng dụng và quyền bề mặt.
Các chính sách pháp luật còn thiếu thống nhất trong cách tiếp cận về đăng ký quyền sở hữu, đặc biệt là chưa rõ ràng đối với cơ chế đăng ký phương tiện giao thông là đăng ký lưu hành hay đăng ký quyền sở hữu; về thời điểm chuyển quyền, thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ngay cả trong một loại hình tài sản là bất động sản. Cơ chế đăng ký theo yêu cầu đối với một số loại tài sản, một số quyền khác về tài sản hoặc hạn chế quyền đối với tài sản hiện nay vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng. Ngoài ra pháp luật còn thiếu nhất quán trong các quy định về việc công chứng đối với tài sản là bất động sản.
Do đó, Nhà nước gặp khó khăn trong quản lý đối với các lĩnh vực tài sản, khó khăn trong thu thuế chuyển nhượng tài sản, trong việc công khai minh bạch tài sản đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng và người dân chưa thực sự có được sự an toàn pháp lý trong các giao dịch về tài sản. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐKTS nói chung và đăng ký bất động sản nói riêng là cần thiết.
Theo đó, hệ thống cơ quan đăng ký phải được xây dựng phù hợp, dựa trên cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với bản chất của loại tài sản được đăng ký, với định hướng thu gọn đầu mối, tránh đăng ký phân tán, gây khó khăn lúng túng cho người dân trong việc ĐKTS và trong xác lập các giao dịch có liên quan đến tài sản được đăng ký. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc thống nhất một cơ quan đăng ký là khó khả thi nên có thể giữ mô hình như hiện nay và thu gọn đầu mối, có cơ chế liên thông giữa các cơ quan để đảm bảo công khai, minh bạch, có sự giám sát của người dân và cơ quan tư pháp.
Cùng với đó, phải xây dựng các nguyên tắc cơ bản để áp dụng cho mỗi phương thức đăng ký khác nhau là phương thức đăng ký thông báo và phương thức đăng ký xác minh nhằm đảm bảo phù hợp với bản chất của mỗi loại tài sản, đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp thông lệ quốc tế.
Các thông tin liên quan đến tài sản đăng ký phải đảm bảo được yêu cầu về tính công khai, minh bạch, chính xác để đáp ứng yêu cầu tìm hiểu thông tin của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời phải đảm bảo sự hài hòa trong tiếp cận các thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản khi có nhu cầu với yêu cầu bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, tổ chức. Cùng với đó, cần hoàn thiện chế định pháp lý về cơ chế, chính sách đẩy nhanh việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghiệp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKTS có sự liên thông, chia sẻ, tích hợp giữa các hệ thống đăng ký thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau.