Cần hành động hơn nữa

(PLVN) - Ngày cuối tháng 11, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) xác nhận trên địa bàn huyện xảy ra vụ xe đưa đón học sinh làm rơi 2 em học sinh xuống đường khi đang lưu thông. Sự việc xảy ra trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. Chiếc xe trên đang trên đường chở các em học sinh Trường tiểu học Diên Hồng (thuộc xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) thì xảy ra sự cố “rơi” học sinh.
Xe đưa đón làm rơi học sinh xuống đường ở Trảng Bom (Đồng Nai).
Xe đưa đón làm rơi học sinh xuống đường ở Trảng Bom (Đồng Nai).

Trước đó, vào ngày 26/11, một xe ô tô 16 chỗ đón 16 học sinh và cô giáo chủ nhiệm lớp 1/6 Trường tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cũng xảy ra tai nạn bật cửa sau làm 3 em học sinh bị rơi xuống đường. Rất may không có học sinh nào bị thương tích.

Câu chuyện cho thấy nhiều vấn đề: xe cũ nát thì “hô biến” thành xe đưa đón học sinh; thái độ của nhà xe với sinh mạng con trẻ và công tác quản lý.

Trước đó không lâu Đại hội đồng Liên Hợp quốc vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm Công ước Quyền trẻ em với có sự tham gia của các quan chức cao cấp Liên Hợp quốc, đại diện của Ba Lan là nước khởi xướng Công ước và 5 quốc gia phê chuẩn đầu tiên tại 5 khu vực, trong đó có Việt Nam.

Không thể phủ nhận “Trong suốt ba thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em của đất nước. Ngày càng có nhiều trẻ em được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay từ trường mầm non và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi” như đánh giá của UNICEF.

Tuy nhiên nguy cơ không an toàn còn đó. Khoảng 5,5 triệu trẻ em ở Việt Nam là trẻ em nghèo đa chiều, nghĩa là các em không được thực hiện hai trong số các quyền cơ bản về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hòa nhập xã hội, nước sạch và vệ sinh.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nơi xảy ra các hành vi xâm hại: Cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ em. Tình hình mua bán trẻ em diễn biến phức tạp...

Việt Nam hiện đang đối mặt với “những thách thức ở chặng cuối cùng”. Các chuyên gia cho rằng, để vượt qua thách thức này cần hành động mạnh mẽ và tăng cường đầu tư hơn nữa, điều quan trọng là Việt Nam cần đẩy mạnh khung pháp lý để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Trẻ em phải được pháp luật bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại. Các em cần một hệ thống công tác xã hội có thể đảm bảo một mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, bắt đầu từ phòng ngừa và can thiệp sớm tại cấp cơ sở, cho đến các dịch vụ chuyển gửi và bảo vệ trẻ em chuyên biệt. Bao giờ cũng thế, hành động mới là điều quan trọng.

Đọc thêm