Minh bạch thông tin
Ngày 9/3 vừa qua, xe chở du khách Hàn Quốc chạy trên đường Nguyễn Thông (Bình Thuận) bất ngờ mất lái, lật ngửa tại dốc Lầu Ông Hoàng. Vụ tai nạn làm tài xế tử vong, 5 du khách Hàn Quốc bị thương. Sau khi kiểm tra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết chiếc xe kiểm định lần gần nhất ngày 4/1/2019 và đủ điều kiện tham gia an toàn giao thông.
Sự việc không may gây ra hoang mang cục bộ cho khách du lịch Hàn Quốc. Trong khi đó, lượng khách Hàn tới Việt Nam đang trên đà phát triển. Năm 2018, Hàn Quốc có 3,16 triệu du khách tới Việt Nam - tăng 46,5% so với năm 2017. Câu hỏi cấp thiết đặt ra là làm thế nào để giải quyết bài toán khủng hoảng đối với những sự cố không may mắn này.
Theo chuyên gia du lịch Trương Nam Thắng, các thông tin tiêu cực trong du lịch trên mặt báo ngày một nhiều. Với những sự cố hi hữu, không có gì quan trọng hơn thông tin minh bạch. Các công ty du lịch nên chủ động thông tin tới khách hàng, cũng như sự chung tay của cơ quan chức năng, báo chí, tránh dẫn đến thông tin sai lệch, tiêu cực ảnh hưởng tới ngành du lịch nói chung.
Minh chứng là sự cố cháy tàu Aphrodite ở Tuần Châu, Hạ Long lúc 11 giờ ngày 16/5/2016, tỉnh Quảng Ninh đã khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời thông tin, trấn an khách du lịch.
Chỉ vài giờ sau cháy, lãnh đạo tỉnh nhanh chóng nhập cuộc, ban hành chỉ thị giải quyết và thông báo về việc phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn, ổn định tinh thần cho du khách, hứa sẽ làm lại hộ chiếu, bồi thường tài sản cho họ… Tối cùng ngày, UBND tỉnh họp báo để cung cấp những thông tin chính xác nhất và cơ bản đã khắc phục được sự cố, trấn an dư luận chỉ sau gần 24h.
Cách làm này cần được nhân rộng, ứng dụng vào giải quyết các khủng hoảng du lịch. Đó là việc công khai, minh bạch mọi thông tin, đồng thời thể hiện lối ứng xử văn hóa, có trách nhiệm với du khách đang có mặt trên đất nước mình.
Bởi sự cố luôn là tình huống bất ngờ và bất lợi cho Việt Nam, do đó việc bảo vệ, đảm bảo quyền lợi khách hàng luôn là “nút thắt” gỡ rối mọi tình huống, khiến du khách quốc tế cảm thấy an tâm hơn.
Học gì từ Hàn Quốc?
Hàn Quốc đã trở thành một đối tác chiến lược quan trọng với Việt Nam về mọi mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, trong đó có du lịch. Được biết trong cuộc gặp và làm việc với Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu mới đây, ông Park Jong Sun, tân Trưởng Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam cho hay: “Việt Nam là thị trường du lịch quan trọng của Hàn Quốc. Lượng khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc năm 2018 đạt gần 500 nghìn lượt. Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều giải pháp để thu hút hơn nữa khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc năm 2019”.
Theo đó, ông Park cho biết thêm Việt Nam cũng là điểm đến lý tưởng của du khách Hàn Quốc, đặc biệt những du khách ở độ tuổi trung niên rất ưa chuộng những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Hạ Long, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc…Vậy ngành du lịch Việt Nam có thể học hỏi được gì từ cách người Hàn Quốc làm du lịch?
Chiến lược phát triển du lịch của Hàn Quốc không chỉ bằng sự bài bản và đồng bộ, mà còn bằng cách tận dụng những hiện tượng nhỏ, đột ngột. Ví dụ như bài học truyền thông từ vị huấn luyện viên Park Hang Seo. Sau khi trở thành “hiện tượng bóng đá” ở Việt Nam, ông Park được truyền thông Hàn Quốc lăng-xê như một “người hùng”, “vị đại sứ du lịch”…
“Một người hùng ở Việt Nam: Xin hãy yêu Hàn Quốc như yêu tôi” trở thành bài báo được xem nhiều nhất trên công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Naver ở Hàn Quốc. Thế nhưng ít ai biết rằng trước khi sang Việt Nam, ông liên tiếp gặp thất bại, 2 lần thất nghiệp và bị “ghẻ lạnh” trên truyền thông nước nhà.
Chỉ từ một vị HLV Hàn bình thường nhưng truyền thông nước này đã nhanh chóng tận dụng, lan tỏa tầm ảnh hưởng của ông, đem đến những hiệu ứng tích cực về văn hóa và du lịch cho địa phương. Ông Park giúp cho sợi dây liên kết giữa văn hóa và du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc được thắt chặt hơn. Người Việt Nam muốn sang Hàn Quốc để tìm hiểu về quê hương của vị HLV này, ngược lại người Hàn cũng muốn tìm đến Việt Nam để khám phá cái mới lạ, du lịch trải nghiệm.
Cũng có rất nhiều thứ bình dị như: cánh đồng hoa cải dầu (Jeju), những phim trường của các bộ phim “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Đê-Chang-Kưm”,… được Hàn Quốc khai thác để trở thành địa điểm hút khách quốc tế. Mặt khác, không thể phủ nhận du lịch Hàn Quốc cũng vẫn tồn tại những nét xấu xí như móc túi, chèo kéo khách du lịch,… không kém gì so với các quốc gia khác.
Nhưng những “con sâu làm rầu nồi canh” này không đáng kể để kìm chân du khách đến Hàn Quốc bởi những thông tin tích cực về đất nước này được truyền thông rộng rãi, để lại ấn tượng tốt với du khách quốc tế.
Từ đó để thấy, phát triển du lịch đến từ những nỗ lực trong xây dựng thương hiệu, bao gồm cả việc tận dụng những hiện tượng nhỏ bé, để tạo được một sức hút lớn, đẩy lùi những tác động của thảm họa. Quan trọng nhất là bài toán khắc phục sự cố du lịch, xây dựng hình ảnh đẹp, tích cực đang còn cần nhiều hơn về tư duy hành động, sự vào cuộc của ban ngành chức năng, để du khách có thể cảm thấy an tâm, được bảo vệ khi đến Việt Nam.