Cần quy định rõ việc tha tù trước hạn có điều kiện

(PLO) - Ngày 24/8, tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS), nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ việc tha tù trước hạn có điều kiện trong Dự thảo Luật. 
Ảnh minh họa

Mở rộng phạm vi sửa đổi

Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua 8 năm thi hành, Luật THAHS năm 2000, công tác THAHS đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.

Bên cạnh kết quả đã được, Luật THAHS năm 2000 bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến THAHS nên các quy định của Luật THAHS hiện hành không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan. 

Theo Chính phủ, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS nhằm mục đích hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm sự nghiêm minh của bản án, quyết định của tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự và thể hiện tính nhân đạo; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng, thực hiện Nghị quyết số 37 năm 2017 của QH, tên của Dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS năm 2010. Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi rộng (sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ 1 mục, thay đổi kết cấu của bộ luật, bổ sung thêm chương), nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật THAHS năm 2010 và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng đề nghị đổi tên gọi của Dự án Luật là Luật THAHS (sửa đổi). Do đó, Chính phủ đề nghị đổi tên gọi của Dự án Luật là Luật THAHS sửa đổi. 

So với Luật THAHS năm 2010, Dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định về đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư bản áp dụng đối với pháp nhân thương mại; về quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp…

Rút kinh nghiệm làm luật kiểu “giữa chừng đổi ý”

Trình bày Báo cáo của nhóm nghiên cứu về Dự án Luật tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho biết, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ đổi tên dự án thành Luật THAHS (sửa đổi) vì bên cạnh các lý do mà Chính phủ đã nêu, việc sửa đổi 1/2 tổng số điều và bổ sung gần bằng 1/3 tổng số điều của Luật hiện hành sẽ làm thay đổi rất nhiều nội dung và kết cấu của Luật. Do vậy, việc điều chỉnh thành Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho việc sắp xếp lại kết cấu của Luật khoa học và hợp lý, tạo điều kiện cho các cơ quan, cá nhân liên quan dễ theo dõi và thi hành. 

Theo nhóm nghiên cứu, việc thay đổi phạm vi sửa đổi sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc chuẩn bị Dự án Luật như tổng kết thi hành toàn diện, sâu sắc hơn; đánh giá tác động của việc thay đổi chính sách với những mô hình, thủ tục hoàn toàn mới; hoàn thành tài liệu tham khảo kinh nghiệm quốc tế; xây dựng toàn bộ dự thảo các văn bản hướng dẫn kèm theo. Như vậy, quá trình chuẩn bị dự án luật của Chính phủ cũng như quá trình thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan của Quốc hội cần điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi.

Tại phiên họp, đa số các thành viên của Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết của việc sửa luật để đảm bảo tính đồng bộ so với các luật về tư pháp khác, đồng ý với việc mở rộng phạm vi sửa đổi của Dự án Luật. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga, đây là vấn đề cần phải báo cáo ra QH vì liên quan đến Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành rút kinh nghiệm về hiện tượng làm luật “giữa chừng Chính phủ đổi ý” như vậy. 

Tính toán lại quy định 1 năm 3 lần xét tha tù

Một trong những vấn đề lớn khác được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên họp là quy định về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện được nêu ở Mục 2A trong Dự thảo Luật. Dự thảo Luật quy định thời điểm xét tha thù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện mỗi năm 3 đợt, vào thời điểm kết thúc quý I, 6 tháng đầu năm và cuối  năm.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du chỉ rõ, đây là quy định mới bổ sung nhằm thể chế hóa quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, nội dung này cần xem xét, chỉnh lý. Theo đó, việc thi hành quyết định tha tù trước hạn có điều kiện tại Điều 49a cần quy định rõ chỉ trả tự do cho người đang chấp hành hình phạt tù khi quyết định tha tù của tòa án có hiệu lực. 

Vẫn theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định này của tòa án và quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp không kháng nghị. Do đó, để bảo đảm việc trả tự do cho người có quyết định tha tù đúng quy định, cần quy định rõ thời điểm tha tù, tránh trường hợp áp dụng không thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng hiện nay. Ủy viên Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Hùng cũng đề nghị tính toán lại quy định 1 năm 3 lần xét tha tù trước thời hạn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, qua thảo luận của Ủy ban có thể thấy vấn đề còn “vướng” nhất trong Dự thảo Luật là quy định liên quan đến pháp nhân thương mại bởi cho đến nay chúng ta chưa có thực tiễn về vấn đề này. 

Theo báo cáo, đã có hơn 100 nước áp dụng quy định như vậy nhưng đến nay kinh nghiệm quốc tế vẫn còn “mỏng”. “Sau phiên họp này, cơ quan soạn thảo cần đầu tư nhiều hơn nữa, tổ chức các hội thảo lấy ý kiến các cơ quan liên quan”, bà Nga đề nghị. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị thông qua Dự án Luật theo trình tự 3 kỳ họp.

Đọc thêm