Cần sớm quy hoạch không gian biển và vùng bờ biển quốc gia

“Áp dụng quy hoạch không gian biển và vùng bờ biển Việt Nam - cách tiếp cận quản lý dựa vào hệ sinh thái” là chủ đề hội thảo khoa học diễn ra trong 02 ngày 30 - 31/5 tại Hải Phòng, do Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND TP.Hải Phòng và một số tổ chức quốc tế tổ chức .

“Áp dụng quy hoạch không gian biển và vùng bờ biển Việt Nam - cách tiếp cận quản lý dựa vào hệ sinh thái” là chủ đề hội thảo khoa học diễn ra trong 02 ngày 30 - 31/5 tại Hải Phòng, do Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND TP.Hải Phòng và một số tổ chức quốc tế tổ chức .

Trên cơ sở đề nghị của UBND TP.Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về chủ trương áp dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện gói thầu lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong ảnh: Một góc Cát Bà

Sự cấp thiết quy hoạch không gian, vùng bờ biển

Theo ghi nhận của IUCN – Tổ chức môi trường toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu - Việt Nam với đường bờ biển dài 3.260km, 12 phá, 44 vịnh, 114 cửa sông lớn nhỏ, hơn 11.000 loài sinh vật biển, được xem là một quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế biển dồi dào.

Tuy nhiên, hiện nay kinh tế biển mới chỉ chiếm khoảng 48% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Với việc mở rộng công nghiệp quy mô lớn, ảnh hưởng tới phát triển bền vững, đe dọa môi trường sống, hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng duyên hải, tác động trực tiếp tới cộng đồng dân cư. Vì vậy, để sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả và đem lại lợi ích cho tất cả các bên, cần có quy hoạch không gian biển và vùng bờ biển quốc gia.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển kinh tế, phát triển kinh tế biển là một hướng đi đúng, phù hợp với lợi thế của một quốc gia ven biển. Để đạt được mục tiêu Chiến lược biển đến năm 2020 cũng như các chiến lược và kế hoạch dài hạn trong tương lai, phát triển kinh tế biển bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế, Việt Nam cần có quy hoạch không gian biển. Quy hoạch không gian biển là mô hình được thế giới áp dụng khoảng 15 năm trở lại đây đã mang lại hiệu quả quản lý biển, kinh tế biển.

Theo ghi nhận của Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế theo “hướng” quy hoạch không gian biển, như Chiến lược bảo tồn quốc gia nhằm bảo tồn đa dạng nguồn sinh học và bảo vệ môi trường, Kế hoạch hành động đa dạng sinh học quốc gia, Kế hoạch quốc gia về phát triển bền vững và môi trường…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TN&MT, quản lý không gian và quy hoạch không gian biển tại Việt Nam vẫn là vấn đề mới, không chỉ đối với các nhà quản lý quy hoạch, hoạch định chính sách mà còn mới với cả các nhà khoa học.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, để thực hiện thành công quy hoạch không gian biển, Việt Nam cần phải tập trung nhiều nỗ lực và thời gian vào việc xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, cũng như phải xác định vị trí pháp lý, khía cạnh thể chế của loại hình quy hoạch mới trong hệ thống chính sách và luật pháp quốc gia. Đây cũng là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để thực hiện những cam kết lâu dài về phát triển bền vững – ông Hồi nhấn mạnh.

Và những mô hình đầu tiên

Từ năm 2007, Hải Phòng đã có sáng kiến, cùng với tỉnh Quảng Ninh - ký cam kết phối hợp thực hiện khuôn khổ quản lý tổng hợp vùng bờ biển. Hải Phòng đang triển khai Dự án “Quy hoạch không gian biển TP.Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn 2050”.

Ông Nguyễn Văn Thành – Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ, sở dĩ Hải Phòng sớm có các cam kết với các tỉnh lân cận trong việc quy hoach không gian biển, bởi từ trước, lãnh đạo TP Hải Phòng đã xác định được TP là khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ông Thành nhấn mạnh, áp dụng quản lý tổng hợp vùng bờ biển và quy hoạch không gian biển được Hải Phòng xác định là nhóm các giải pháp ưu tiên cao.

Đại diện IUCN ghi nhận, từ mô hình thực tế của Hải Phòng đã chứng minh quy hoạch không gian biển đã đem lại những lợi ích thiết thực, quá trình này giúp chính quyền các địa phương, người dân gắn kết lại với nhau trong một nỗ lực cùng xây dựng các chiến lược sử dụng tài nguyên nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh tính cấp thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng quy hoạch không gian biển và vùng bờ tại Việt Nam. Theo ông Thành, phát triển kinh tế ngày càng gia tăng đã gây áp lực lên môi trường và tài nguyên biển và vùng bờ. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch không gian biển và vùng bờ là công cụ quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên biển.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển nêu rõ, hội thảo nhằm tìm hiểu và chia sẻ các bài học kinh nghiệm về áp dụng quy hoạch không gian biển trên thế giới và trong khu vực; tìm hiểu, giới thiệu thực trạng và quá trình áp dụng quy hoạch không gian biển ở Việt Nam để thông qua lý luận và thực tiễn, chính quyền các cấp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để áp dụng rộng rãi quy hoạch không gian biển tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trên cơ sở đề nghị của UBND TP. Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về chủ trương áp dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện gói thầu lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong ảnh: Một góc Cát Bà.

Linh Nhâm

Đọc thêm