Cần Thơ: Giải pháp giúp nông sản “vừa được mùa, vừa được giá”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để phát triển thị trường nông sản đảm bảo bền vững trong tương lai, Sở Công Thương Cần Thơ phối hợp địa phương, các cấp, ngành đã gặp gỡ người trồng, HTX trên địa bàn để ghi nhận thông tin; qua đó, chủ động xây dựng kế hoạch kết nối, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường, hợp tác với DN thu mua trái cây xuất khẩu.
Nhiều loại trái cây tại Cần Thơ đã đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.
Nhiều loại trái cây tại Cần Thơ đã đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.

Trao đổi với PLVN, Giám đốc Sở Công Thương, ông Hà Vũ Sơn, cho biết: Giá cả các loại trái cây hiện nay được giá, đặc biệt là sầu riêng giá cao so với mọi năm, một phần do hiện nay đã xây dựng được mã vùng trồng. Tín hiệu này mang đến kỳ vọng nông sản Cần Thơ ngày càng được ưa chuộng cả trong nước mà còn xuất khẩu.

Hiện nay, nhiều loại trái cây sắp vào mùa thu hoạch, đặc biệt diện tích vườn sầu riêng trên địa bàn đã có sẵn trong giai đoạn cho trái, sẽ tạo được đầu ra ổn định với sản lượng lớn được tiêu thụ. Với những kết quả đạt được, tạo cho nông dân cơ hội tiếp cận DN, thị trường tiêu thụ, tạo được quy trình sản xuất an toàn cho người tiêu dùng, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ. Việc xây dựng mã số vùng trồng trên cây ăn trái có thể xem là bước chuyển giúp nông dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất.

Song song đó, các cấp ngành liên quan cũng đang định hướng nông dân tập trung sản xuất theo quy mô lớn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa được giá vừa được mùa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Thắng cho hay, trong những năm qua, khi vào mùa thu hoạch nông sản, để việc tiêu thụ đảm bảo “được mùa, được giá”, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành rà soát nắm toàn bộ diện tích cây ăn trái từng loại, ước lượng sản lượng thu hoạch. Từ đó, xây dựng kế hoạch để tìm kiếm, kết nối các đơn vị thu mua.

Huyện cũng tăng cường công tác vận động, hướng dẫn bà con, HTX hướng đến trồng nông sản sạch theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Huyện còn định hướng phát triển sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu nông sản thu hút khách về sản phẩm vùng miền.

Ông Nguyễn Út Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Ðiền cho biết, huyện có 8.652ha trồng cây ăn trái, phần lớn có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, vú sữa, măng cụt… Riêng với sầu riêng, diện tích hơn 2.564ha, trong đó gần 1.500ha cây cho trái; năm 2023 dự kiến sản lượng trên 22.175 tấn. Đến thời điểm hiện tại có 4 HTX theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; được nhiều DN đến thỏa thuận thu mua bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn.

Cần Thơ hướng đến xây dựng phát triển chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP về nông sản.

Cần Thơ hướng đến xây dựng phát triển chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP về nông sản.

Ngành nông nghiệp huyện đã triển khai đến từng địa phương vận động xây dựng phát triển chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP. Để thực hiện kế hoạch, đầu tiên phải khuyến khích DN đến đầu tư chế biến và đóng gói sản phẩm, bảo quản sau thu hoạch; nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn, bền vững hơn, giúp bà con nông dân an tâm sản xuất. Đặc biệt với sản phẩm sầu riêng cần được chế biến bảo quản trong thu hoạch để giữ được sản phẩm lâu hơn, ổn định giá trị trong thời gian dài. Những giải pháp đó giúp hạn chế tối đa rủi ro trong sản xuất, tránh được tình trạng “được mùa, rớt giá”.

Địa phương cũng đặc biệt quan tâm công tác vận động tuyên truyền người dân đăng ký tham gia xây dựng mã vùng trồng. Toàn huyện đến thời điểm hiện tại có 23 mã vùng trồng với hơn 400ha. Trong đó có 2 mã vùng trồng đã được phía Trung Quốc kiểm tra với diện tích 51ha (51 hộ), còn lại 21 mã vùng trồng (250ha) đang chờ cấp mã vùng trồng.

Đến nay, ngoài sầu riêng, nhiều trái cây khác của Cần Thơ đều đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao. Nhiều chuyên gia đánh giá, để nông sản TP Cần Thơ phát triển bền vững đúng hướng đề ra, thì điều cần làm hiện nay là các HTX trên địa bàn áp dụng mã vùng trồng, góp phần quan trọng trong tạo dựng niềm tin và khẳng định uy tín của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong và ngoài nước.

Đọc thêm