Bãi rác này có diện tích hơn 6ha, được bố trí 11 ô chôn lấp rác, 4 ô xử lý nước rỉ rác và đất dự trữ gần 9.000m2 cùng với 6 lò đốt (trong đó có 3 lò đốt ngừng hoạt động). Đây là điểm tập kết, tiếp nhận và xử lý rác của nhiều quận/huyện trên địa bàn Cần Thơ.
Hơn một năm qua, các hộ dân xung quanh khu vực bãi rác Đông Thắng phải gánh chịu cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng. Người dân địa phương cho biết, từ khi rác thải của các quận, huyện gom về đây thì tình trạng rác phân hủy bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi sinh sôi, nảy nở ngày càng trở nên trầm trọng.
Mùi hôi lan tỏa trên diện rộng, các hộ gia đình trong phạm vi bán kính hơn 1km đều bị ảnh hưởng. Chưa kể, chiều chiều khói đốt rác mang theo bụi và mùi hôi khét nồng nặc, ngột ngạt. Điều này tác động mạnh đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt và kinh tế của các hộ gia đình lân cận.
Hôi thối không làm ăn gì được…
Ông Huỳnh Bá Dương (ngụ xã Đông Thắng, sống gần bãi rác Đông Thắng) cho biết, mùi hôi hòa với mùi khói nhiều nhất là vào ban đêm. Tầm 16 – 17 giờ chiều là khói bay là là dưới thấp xông vào nhà dân. Ban đêm người dân phải trùm chăn mền kín hết mới ngủ được. Điều kiện hôi thối, ẩm thấp làm cho các loại côn trùng ruồi muỗi phát sinh nhiều.
Ông Dương phản ánh: “Ruồi sinh sôi rất nhanh và nhiều, con nào con nấy bằng ngón tay, dọn cơm ra thấy ruồi, nhặng còn nhiều hơn cơm. Có khi ăn cơm 1 tay cầm đũa 1 tay đập ruồi, nhiều hộ phải giăng mùng để ăn cơm nữa”.
Nhiều người dân nơi đây bức xúc, chỉ cần chạy xe ngang khu vực này là không ai chịu nổi với mùi hôi thối và khói bụi của bãi rác này, huống chi là người dân quanh năm sống chung với nó. Nước rỉ rác trên các xe vận chuyển rác đổ dài trên đường bốc mùi hôi thối; có không ít trường hợp gây trượt ngã cho người đi xe máy. Thậm chí, có lần nhiều xe bị té ngã liên hoàn cũng do nước rỉ rác. Để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho gia đình nhiều hộ dân đã tính đến chuyện di dời sang nơi khác.
Điều đáng nói là xung quanh bãi rác còn có hai trường học (1 trường mầm non, 1 trường tiểu học) và trạm y tế. Điều này sẽ tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của học sinh và bệnh nhân. Trình bày với PV, đại diện Trường Mầm non Đông Thắng chia sẻ, mùi hôi thối và khói phát ra từ bãi rác ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ và việc huy động trẻ đến lớp. Phụ huynh sợ mùi hôi ảnh hưởng sức khỏe của trẻ nên cũng ngại cho trẻ học ở đây.
Có thể nói, không chỉ mùi hôi, mùi khói ảnh hưởng đến người dân mà bãi rác còn ảnh hưởng đến sinh hoạt và thu nhập của bà con. Nước rác rỉ ra đã làm nước của con kênh nhỏ gần đó đen kịt, không sử dụng được. Trồng trọt, chăn nuôi của người dân nơi đây hầu hết đều bị thua lỗ. Anh Trần Trí Linh cho biết, có người trồng 20 công (2ha) đã có 6 công bị chết. Ông Phương Văn Giao (người dân gần bãi rác) cũng bức xúc, ao nuôi cá của nhà ông đợt trước bị thua lỗ nặng, đợt rồi gà vịt chết hết.
Như “nắng hạn chờ mưa”!?
Liên quan đến những vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Trọng Thủy, Chủ tịch UBND xã Đông Thắng cho biết đã lắng nghe rất nhiều ý kiến phản ánh của người dân về tình hình thực tế ở bãi rác Đông Thắng. Ông Thủy xác nhận, khói đốt, mùi khét và mùi hôi thối xông thẳng vào nhà
dân làm ảnh hưởng đến mùa màng và chăn nuôi của bà con nơi đây. Cũng theo ông Thủy, hiện tại chính quyền địa phương đã phủ 2 đống rác lớn, đống còn lại vẫn đang tiếp nhận rác để xử lý. Xã cũng nhiều lần kiến nghị và đề xuất phương án xử lý lên các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, đến nay tình hình ô nhiễm từ bãi rác trên vẫn chưa được khắc phục.
Ông Trần Chí Phương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cờ Đỏ cho hay: Tình hình hiện tại ở bãi rác Đông Thắng đã và đang xử lý. Bãi rác này hiện có 11 ô. Trong đó, có 6 ô là phủ tấm cao su cách ly mùi hôi và 5 ô đang tiếp nhận rác. Về xử lý bằng hình thức đốt có 6 lò, 3 lò của Công ty Minh Thông đang hoạt động, còn 3 lò của Nhà nước đầu tư hiện tại đã ngừng đốt.
Về vấn đề xả khói ra môi trường của các lò đốt, ông Phương cho biết phòng đã làm việc với đơn vị thi công nhưng thực thực tế ghi nhận, các ống khói của lò đốt đang hoạt động vẫn phun khói đen kịt. Các hộ dân xung quanh bãi rác lúc nào nhà cũng đóng chặt cửa để bớt khói và mùi hôi. Các quán cà phê, kinh doanh mua bán nhỏ cũng phải nghỉ vì mùi hôi quá nồng nặc. Ông Phương cho biết sẽ tiếp tục làm việc với đơn vị thi công để khắc phục tình trạng trên.
Tại tờ trình của UBND huyện Cờ Đỏ trình UBND TP Cần Thơ về việc khắc phục nước rỉ ở bãi rác cho thấy hiện trạng nước rỉ rác đã dâng lên gần bằng bờ đê bao và có biểu hiện rò rỉ. Nguyên nhân do lượng nước mưa, nước rỉ rác phát sinh nhiều, có nguy cơ tràn đê ra đất ruộng các hộ dân xung quanh và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe người dân. “Vấn đề này, hiện đã có 3 công ty đấy thầu xử lý”, ông Phương chia sẻ.
Ông Phương còn cho biết, Đông Thắng chỉ là bãi rác tạm. Đến cuối năm 2017 đầu năm 2018, bãi rác ở Thới Lai đi vào hoạt động sẽ thay thế bãi rác này. Được biết, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh đã có văn bản đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan khẩn trương khảo sát hiện trạng và xử lý nước rỉ rác tại bãi rác thuộc Khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng; qua đó, nhằm đảm bảo không có nước rỉ rác tràn ra khu vực dân cư xung quanh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Có thể nói, chậm trễ một ngày thì người dân tại đây lại thêm khốn đốn, chưa lường trước được tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi rác sẽ khiến người dân sau này phải gánh chịu hậu quả như thế nào…