Nhận được món quà Valentine sớm là chai nước hoa cao cấp nhãn hiệu Chanel từ người yêu, chị Lê Minh Hạnh Tú, nhân viên một ngân hàng nhà nước tại TP HCM rất vui. Tuy nhiên, khi mở món quà ra sử dụng, chị phát hiện ra đó lại là hàng giả vì mùi nước hoa rất “lạ” và khi xịt vào chị bị dị ứng, nổi mẩn ngứa. Sau đó, dò hỏi thì chị được biết người yêu chị mua từ một shop online với giá 2 triệu đồng. Trong khi đó, giá niêm yết của dòng nước hoa này chính hãng là 100USD. Biết bạn trai bị lừa mua hàng giả, chị Tú cũng đành im lặng không biết nói sao vì khá tế nhị, đành đi mua hàng thật sử dụng thay vào.
Chuyện các chàng trai bị lừa mua hàng giả dịp lễ Tình nhân là không hiếm. Đánh trúng tâm lý các anh “lười” đi mua sắm, lại thiếu kiến thức các mặt hàng dành cho chị em, nên nhiều người kinh doanh online trộn hàng giả, hàng nhái vào để đánh lừa. Hầu hết thì các chị em nhận được quà, phát hiện ra hàng giả cũng đành ngậm ngùi vì… chuyện khó nói.
Ngoài nước hoa, giỏ xách, thì các loại mỹ phẩm, đồng hồ, trang sức cũng được làm giả khá nhiều trà trộn vào nguồn hàng cung cấp làm quà dịp lễ Tình nhân. Một cặp đồng hồ trong bộ sưu tập mới của DW, thương hiệu tầm trung đang được các bạn trẻ yêu thích có giá niêm yết từ website tầm 500USD, thế nhưng, một số shop online, của Việt Nam bán chỉ có hơn 3 triệu đồng với chiêu bài “ giảm giá đặc biệt lễ Tình nhân”. Thậm chí, kể cả không bị sập bẫy những cửa hàng trên mạng bán với giá bèo, đến những cửa hàng đồng hồ lớn nằm ngoài các mặt đường sầm uất, người mua vẫn có thể mua phải đồng hồ hàng trộn, với vỏ xịn nhưng ruột đã bị tráo.
Nguy hại hơn là các sản phẩm ảnh hướng trực tiếp đến sức khỏe như mỹ phẩm giả. Bình thường, các loại mỹ phẩm trôi nổi đã rất nhiều, khó quản lý. Dịp lễ nhu cầu mua cao, mỹ phẩm giả càng có dịp trà trộn vào các loại hàng thật để tung hoành trên thị trường, đến tay người nhận quà. Đáng nói là mỹ phẩm khá khó phân biệt thật, giả hơn các loại xa xỉ phẩm khác, chỉ đến khi người dùng xảy ra hậu quả mới nhận ra thì đã muộn.
Một mặt hàng rất phổ biến mà người ta thường tặng nhau dịp Valentine là chocolate giờ đây cũng bắt đầu bị làm giả. Hai năm gần đây, nhiều hãng kinh doanh chocolate đã lên tiếng cảnh báo việc họ bị khách hàng phản ánh chocolate kém chất lượng nhưng hóa ra khách hàng mua phải sản phẩm nhái. Nhiều thương hiệu chocolate cũng hướng dẫn khách hàng phân biệt hàng thật và giả. Được biết, chocolate giả được làm từ bột ca cao, chất béo tổng hợp, đường và các loại hóa chất khác có thể gây hại cho cơ thể.
Có thể thấy, cơn sốt tặng quà nhau lễ Tình nhân đang bị lợi dụng để nhiều kẻ gian tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Chính tâm lý “lễ thì phải có quà”, tâm lý muốn “bằng chị bằng em” của nhiều chị em đã đẩy cánh mày râu vào tình thế “với tay” để mua cho được những món quà xa xỉ, để rồi bị lừa mua phải những món hàng trôi nổi, kém chất lượng, có hại cho sức khỏe.