Cẩn trọng với thông tin bịa đặt về dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù cuộc sống bình thường mới đã trở lại nhưng dịch bệnh vẫn còn đó, đòi hỏi sự phòng bị cẩn thận của người dân. Cạnh đó, có một thứ “virus” nguy hiểm không kém cần phòng ngừa, đó là “virus” tin đồn bịa đặt gây hoang mang dư luận.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông báo TP HCM đang trong tình trạng khẩn. Cụ thể, các nguồn tin trên mạng đưa, “Thông tin khẩn từ Văn phòng Chính phủ (vừa họp xong với Bộ Quốc phòng, mai ra thông báo). TP HCM vào tình trạng khẩn. Siêu thị sẽ đóng cửa hết; siêu thị chuỗi lớn sẽ ký hợp đồng với quân đội để cung ứng lương thực cho dân; không một người dân nào được ra đường...”.

Thông tin TP Hồ Chí Minh sắp ban bố tình trạng khẩn lan truyền trên mạng.

Thông tin TP Hồ Chí Minh sắp ban bố tình trạng khẩn lan truyền trên mạng.

Thông tin này làm nhiều người dân TP HCM lo lắng, hoang mang. Không ít người chia sẻ thông tin thất thiệt này khi chưa kiểm chứng. Nhiều cư dân mạng còn bảo nhau mua đồ, tích trữ. Đã có trường hợp người dân TP HCM nhờ người nhà ở các tỉnh gửi thức ăn tiếp tế lên để “dự phòng”.

Ngay trong ngày 26/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM khẳng định tin này là bịa đặt. Ban Chỉ đạo TP cho biết tình hình dịch bệnh của TP HCM đang được kiểm soát, mức bao phủ vaccine tăng lên từng ngày.

Trước đó, người dân TP HCM cũng từng nhiều lần hoang mang vì tin đồn thành phố phong toả. Cuối tháng 7, mạng xã hội còn lan truyền tin đồn sẽ có 5 máy bay trực thăng phun chất khử trùng vào không khí để diệt virus Corona vào lúc 23 giờ 40 tối một ngày trong tháng và đề nghị mọi người nên đóng kín cửa nhà lại khiến nhiều người dân sợ hãi không dám ra đường.

Từ thời điểm TP HCM tháo bỏ các quy định về giãn cách, bắt đầu cuộc sống bình thường mới, cũng đã có không ít tin đồn được truyền miệng, lan truyền trên mạng xã hội về khả năng “tái phong toả” hay “tình trạng nguy cấp” của thành phố và tất cả đều là tin đồn nhằm “câu view” hoặc mục đích khác.

Khá phổ biến trong cộng đồng là những tin đồn nhảm về vaccine ngừa COVID-19. Liên tục có những tin như đó đây có người chết sau khi tiêm ngừa COVID-19 hoặc tiêm vaccine sẽ mắc các chứng bệnh như vô sinh và nhiều loại bệnh nghiêm trọng khác.

Có không ít clip, link bài viết nguồn gốc từ các trang mạng nước ngoài không chính thống được cư dân mạng trong nước chia sẻ như bằng chứng về sự “nguy hiểm” của vaccine ngừa COVID-19. Sau đó, những thông tin này đã được chỉ ra là từ nguồn sai lệch hoặc cắt ghép, dịch nghĩa sai nhằm mục đích tuyên truyền những thông tin bịa đặt, mang tính hù doạ về vaccine phòng dịch.

Một số bác sĩ nổi tiếng như bác sĩ Trương Hữu Khanh, khi thường xuyên đưa ra những thông tin bổ ích về phòng chống dịch, đính chính những lời đồn sai lệch, cung cấp kiến thức chuẩn mực cho người dân còn bị một bộ phận những kẻ anti vaccine, thích tung tin đồn nhảm tấn công, gửi vào tài khoản và các bài viết trên trang cá nhân những thông tin bịa đặt, gây ra những cuộc “khẩu chiến” về vaccine trên mạng xã hội.

Trong buổi họp mới đây, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP đề nghị người dân tỉnh táo, cập nhật, nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống, không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch của thành phố.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi tung tin giả, thông tin sai sự thật về COVID-19 có thể bị phạt hành hành chính từ 05 - 10 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời, theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật gây dư luận xấu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, hành vi tung tin giả về COVID-19 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên đến 7 năm tù.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm