Mạng xã hội và câu chuyện tầng văn hóa của người trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mạng xã hội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với hàng tỷ người sử dụng trên thế giới. Trong đó tại Việt Nam, giới trẻ là nhóm sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Giờ đây, giới trẻ coi mạng xã hội cũng giống như đời thực, đôi khi còn hoạt động tích cực hơn cả. Và từ đó câu chuyện tầng văn hóa của người trẻ trên mạng xã hội ra đời.
Mạng xã hội – “mảnh đất màu mỡ” để thể hiện cái “tôi”.
Mạng xã hội – “mảnh đất màu mỡ” để thể hiện cái “tôi”.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, internet và mạng xã hội (MXH) nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của con người. Nhất là tại Việt Nam, theo thống kê của Digital (số liệu tính tới thời điểm tháng 01/2021) số lượng người sử dụng MXH tại nước ta là 72 triệu (tăng hơn 7 triệu người trong vòng một năm) tương đương 73,7% tổng dân số. Trong đó, phần lớn người sử dụng MXH hiện nay là người trẻ, với độ tuổi dao động từ 15 đến 25 tuổi.

Ngày nay, những câu chuyện trên MXH không còn ở yên trên thế giới “ảo” mà còn tác động mạnh mẽ tới thế giới “thật”. Khi mà giới trẻ đã coi MXH giống như môi trường xã hội ngoài đời thì văn hóa ứng xử trên đó lại là một vấn đề cần được quan tâm.

Trong thời đại của MXH, với chế độ mở, không qua khâu kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải, nơi đây đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” để mọi người bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân và cái “tôi”. Tạo nên những “chuỗi” thông tin khổng lồ gồm cả tích cực và tiêu cực. Cũng giống như ngoài đời thực, trên MXH cũng có “người này người kia” và từ đó dần hình thành nên tầng văn hóa của người trẻ.

Lệch lạch trong văn hóa mạng xã hội

Nhắc đến MXH, có lẽ không còn xa lạ trước những lệch lạc trong văn hóa trên thế giới “ảo”. Vào đầu năm 2020, Microsoft đã công bố danh sách mức độ các quốc gia kém văn minh nhất trên không gian mạng, Việt Nam bị xếp vào nhóm 5 nước kém văn minh nhất. Nhất là vào thời gian gần đây, nhiều câu chuyện không hay đã diễn ra trên MXH cho thấy sự lệch lạc trong văn hóa ứng xử đang rất báo động.

Liên tục “dậy sóng” chính là các vụ việc “bóc phốt”, đánh ghen… hiên ngang trên MXH. Chỉ với tính năng livestream trên MXH, cùng với những hình ảnh ăn mặc phản cảm và lời lẽ thiếu văn minh là đã đủ để thu hút người xem. Điểm đặc biệt là quần áo càng hở, chửi càng “độc” thì càng “hot”. Khắp trên MXH đâu đâu cũng thấy xuất hiện những clip livestream thiếu văn hóa tương tự, giống như một mô tuýp để nổi tiếng vậy.

Chưa kể, nhu cầu giải trí của giới trẻ ngày nay còn chuyển hướng sang thần tượng những “thần tượng giới trẻ” như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng,… Điển hình như Khá Bảnh, nhân vật này được các bạn trẻ chào đón như “siêu sao” dù có những hành động, cách cư xử thiếu văn hóa. Trước khi bị bắt vì hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, Khá Bảnh đã trở thành tâm điểm chú ý của cả dư luận với lo ngại đây sẽ là một hiện tượng xấu mà nhiều giới trẻ học theo.

Bên cạnh đó còn xuất hiện những cá nhân đưa thông tin xấu, sai sự thật, thiếu kiểm chứng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội gây bức xúc, hoang mang trong dư luận. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã có không ít người dùng MXH để đăng tải những thông tin, hình ảnh sai sự thật về dịch bệnh khiến cho người dân lo lắng, hoang mang. Trong thời gian qua, không chỉ là cuộc chiến với Covid-19 mà còn là cuộc chiến với tin giả.

Sự lệch lạc trong văn hóa MXH còn xuất hiện ở những “anh hùng bàn phím”. Cụm từ này thực chất được sử dụng với ý nghĩa mỉa mai những người giấu mặt sau màn hình máy tính. Họ bình luận một cách thoải mái, không cần quan tâm đúng sai, hay thậm chí còn bôi nhọ, lăng mạ, đặt điều, biến người khác thành nạn nhân bị bắt nạt, cô lập. Họ buông những lời lẽ thách thức, ngông cuồng không kiểm soát, không lường trước được hậu quả, kể cả có thể gây tổn thương cho người khác.

Trên MXH, không khó để tìm thấy những người a dua theo đám đông, lệch lạc văn hóa giống như trên. Và càng đáng buồn hơn khi thực trạng này đang xuất hiện ngày càng nhiều trên MXH.

Nhiều người trở thành nạn nhân bị bắt nạt, cô lập trên mạng xã hội.

Nhiều người trở thành nạn nhân bị bắt nạt, cô lập trên mạng xã hội.

Môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực

Không thể phủ nhận được sự tuyệt vời mà MXH mang lại. Bên cạnh việc cung cấp thông tin nhanh chóng, MXH còn đem con người đến gần nhau hơn, giúp ta nói lên suy nghĩ của mình được nhiều hơn. Đặc biệt còn giúp truyền tải cảm hứng, giúp cho cộng đồng gần gũi nhau hơn.

Mặc dù còn những tiêu cực, lệch lạc trong văn hóa ở một vài bộ phận giới trẻ trên MXH. Thì vẫn còn đó những người trẻ lựa chọn sống và hành xử trong môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trên không gian mạng. Tuy không nhiều, nhưng họ là những người “trồng cây gây rừng” đích thực, góp phần ươm mầm cây xanh, hoa đẹp “đâm chồi nảy lộc” để loại bỏ bớt cỏ dại, trái độc trên MXH.

Nếu như đã có “anh hùng bàn phím”, thì không thể thiếu sự có mặt của những “dũng sĩ lẽ phải”. Đây chính là những người đứng lên ủng hộ và bảo vệ cho lẽ phải, cho những người bị bắt nạt, cô lập trên mạng. Là những người luôn có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm. Bởi đôi khi giữa hàng trăm bình luận tiêu cực, chỉ cần vài dòng an ủi, động viên cũng đã khiến tinh thần của những người bị tấn công trở nên vững vàng hơn.

Hay đơn giản là những người trẻ bản lĩnh vững vàng, không a dua theo trào lưu, đám đông, không tuyên truyền, chia sẻ những văn hóa độc hại, không lành mạnh, những thông tin sai sự thật gây nhiễu loạn cộng đồng trên trang cá nhân. Bên cạnh đó, họ còn ngăn chặn những văn hóa tiêu cực bằng cách nhấn nút Báo cáo (Report) hay chia sẻ đính chính thông tin bằng những tin tức chính thống. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn này sẽ góp sức mạnh mẽ vào công cuộc dọn “rác” trên MXH.

Và chúng ta cũng cần trân trọng và biết ơn tới người lan tỏa những điều tốt đẹp trên MXH. Giữa vô vàn những thông tin tiêu cực, những bài “bóc phốt”, những trận cãi vã vô văn hóa,… Thì những nội dung như lan tỏa người tốt, việc tốt, chia sẻ những bài học, kinh nghiệm hay lối sống tích cực, khỏe mạnh,… Sẽ khiến MXH trở nên tốt đẹp hơn, mọi người cảm thấy yêu đời và có thêm động lực trong cuộc sống ở cả thế giới “ảo” và “thật”.

Giá trị của văn hóa trên mạng xã hội

Quả thật, văn hóa ứng xử đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhận thức con người. Một người có văn hóa là một người có cách ứng xử văn minh, lịch sự, biết ứng xử có phép tắc và làm mọi điều theo đúng chuẩn mà xã hội quy định. Giờ đây, trong thời đại 4.0, chúng ta không chỉ cần có văn hóa ứng xử ngoài đời thực mà việc xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH đang trở nên ngày càng cấp thiết.

Trước hết, văn hóa trên MXH thể hiện ngay trong cách giao tiếp và ứng xử của họ đối với mọi người xung quanh. Coi trọng việc nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức, xây dựng cho mình thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan, chân thành và tế nhị, tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp.

Có trách nhiệm với lời nói, hành vi của mình; tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý. Có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp trên mạng…

Để có được điều đó vốn không khó, bởi văn hóa đã có sẵn trong mỗi con người Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu đó thì chưa đủ… Văn hóa cần được hình thành và lớn mạnh từ phông, từ nền tảng văn hóa của mỗi người. Là những điều được chỉ dạy trong môi trường văn hóa, trong gia đình và cả trong giáo dục. Tất cả những điều đó đã tạo nên nhân sinh quan của mỗi người.

Qua cách ứng xử của một con người, dù ở trên mạng hay ngoài đời thực, ta đều hiểu được bản chất của người đó. Năng lực giao tiếp ứng xử có văn hóa được ông cha ta xem là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá con người, được chứng minh qua các câu ca dao tục ngữ như: “Vàng thì thử lửa, thử than/Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”. Đây chính là mối quan hệ giữa nội dung (bên trong) và hình thức (bên ngoài) . Dù hình thức có thay đổi ra sao thì văn hóa chính là cái còn đọng lại trong mỗi con người…

Có thể nói rằng văn hóa mạng nói chung và văn hóa MXH nói riêng là một bộ phận cấu thành của văn hóa Việt Nam. Chính vì lẽ đó nên toàn xã hội cần chung sức xây dựng và phát triển những giá trị đặc trưng văn hóa Việt Nam không chỉ ở thế giới “thực” mà ngay cả trên thế giới”ảo”. Và các bạn trẻ nên nhớ rằng, những gì chia sẻ trên MXH sẽ phản ánh con người, tính cách, lối sống của bạn. Vì vậy, khi tham gia MXH, mỗi người trẻ nên là một người dùng thông minh, có văn hóa, rèn cho mình cách ứng xử, tương tác thật chuẩn mực.

Đọc thêm