Hiểm họa từ những luồng 'virus tin giả' trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đang được kiểm soát. Bên cạnh đó, người dân còn đang phải chống chọi với “virus tin giả” đang tràn lan trên các trang mạng xã hội, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

“Virus tin giả” xuất hiện ngày càng nhiều

Thời gian qua, tình trạng đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội có dấu hiệu gia tăng, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay Công an tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện, xử lý hơn 20 trường hợp có hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội.

Với hành vi đăng tin sai sự thật việc phong tỏa thành phố Bạc Liêu trên Facebook, Dương Việt T (ngoài cùng bên trái) bị phạt hành chính 5 triệu đồng.

Với hành vi đăng tin sai sự thật việc phong tỏa thành phố Bạc Liêu trên Facebook, Dương Việt T (ngoài cùng bên trái) bị phạt hành chính 5 triệu đồng.

Mới đây, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định phạt hành chính 05 triệu đồng đối với Dương Việt T (sinh năm 2005, ngụ phường 1, thành phố Bạc Liêu) đăng tải thông tin sai sự thật về việc phong tỏa thành phố Bạc Liêu trên mạng xã hội Facebook, làm cho rất nhiều người dân trên địa bàn thành phố bất chấp việc đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến các cửa hàng, chợ, siêu thị,… để tìm mua hàng hóa, không đảm bảo khoảng cách an toàn, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2021, Giám đốc Công an tỉnh cũng ban hành Quyết định phạt hành chính 05 triệu đồng đối với 02 trường hợp ngụ huyện Hòa Bình có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gồm: Nguyễn Quốc T (sinh năm 1995, ngụ thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để chia sẻ một đoạn video clip sai sự thật có nội dung liên quan đến nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô, Dương Kim T (sinh năm 1994, ngụ xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) cũng dùng Facebook cá nhân để chia sẻ một đoạn video clip kèm theo bình luận xúc phạm đến các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ thông tin sai sự thật về nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô, đối tượng Nguyễn Quốc T cũng bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng.

Chia sẻ thông tin sai sự thật về nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô, đối tượng Nguyễn Quốc T cũng bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng.

Điều đáng nói, khi tiến hành làm việc với các trường hợp đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội, đa phần đều không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, mà chỉ nghĩ đơn giản là muốn thu hút sự chú ý từ mọi người nhằm có nhiều view, nhiều like hoặc có một số trường hợp do nắm bắt thông tin không đầy đủ, không kịp thời, thiếu kiểm chứng, rồi vô tư đăng lên trang Facebook, Zalo cá nhân mà không hề nghĩ hậu quả gây ra trong cộng đồng.

Qua đó cho thấy, ý thức sử dụng mạng xã hội trong một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ còn khá hạn chế. Lo ngại hơn, những hành vi này không chỉ gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, mà còn ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Tự tăng “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật

Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của “virus tin giả” như hiện nay, đòi hỏi các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý hiệu quả nhằm giảm thiểu tác hại có thể xảy ra đối với các thông tin sai sự thật đang tràn lan trên mạng xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan; cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng công tác giám sát, phát hiện, xử lý hành vi phát tán tin sai sự thật và sự chung tay của Nhân dân trong tâm thế “nói không” với tin giả, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.

Mức xử lý vi phạm theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Ảnh: Internet).

Mức xử lý vi phạm theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Ảnh: Internet).

Trong thực tế, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này với sự xuất hiện của Luật An ninh mạng và Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm vẫn gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, nhiều trường hợp thường xuyên thay đổi, sử dụng tài khoản ảo và mặt khác, đa phần người tham gia mạng xã hội chưa trang bị đầy đủ khả năng nhận biết tin giả, thiếu kỹ năng sàng lọc thông tin nên thường bị cuốn theo luồng tin được nhiều người chia sẻ mà không hề kiểm chứng là đúng hay sai sự thật.

Để có thể triệt để ngăn chặn “virus tin giả” lây lan trên các trang mạng xã hội, Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo mọi người dân không đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Khi tiếp nhận thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 cần có sự chọn lọc, chỉ tiếp thu thông tin từ báo, đài chính thống; trang bị cho mình kiến thức về pháp luật và khả năng tự kiểm chứng, tự sàng lọc thông tin. Đó chính là liều vaccine hữu hiệu nhất để tăng “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật và có ứng xử phù hợp trên không gian mạng.

Công an tỉnh Bạc Liêu cũng kêu gọi người dân kịp thời báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội, để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần đảm bảo ổn định tình hình ANTT tại địa phương.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm