Lợi dụng công nghệ thông tin để phạm tội
Báo cáo của Bộ Công an thông tin, đầu tháng 11/2019, Công an TP HCM đã triệt phá một nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi thông qua ứng dụng điện thoại di động (app). Theo đó, các đối tượng thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật Cty rồi tạo ra ứng dụng cho vay tiền trực tuyến như: Vaytocdo, Moreloan, VD online với lãi suất lên tới 1.600% năm.
Nhóm này đã cho vay 100 tỷ đồng qua 3 ứng dụng trên, với khoảng 60.000 giao dịch. Thay vì các hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” như trước, các đối tượng sử dụng ứng dụng này truy cập và lấy cắp các thông tin về hình ảnh, danh bạ, quyền truy cập tài khoản các trang mạng xã hội để đăng tải, phát tán các hình ảnh, thông tin nhằm bôi nhọ, làm nhục người đi vay, gây áp lực để trả nợ.
Tháng 9/2019, Công an TP HCM đã triệt phá thành công đường dây cho vay nặng lãi do người nước ngoài cầm đầu gồm 6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam, khi chúng lập 2 Cty hoạt động cho vay tín chấp do một người Việt Nam và một người Trung Quốc cầm đầu, cùng 30 nhân viên làm việc. Sau khi tạo ứng dụng do người Trung Quốc lập, các nhân viên thông qua mạng xã hội quảng cáo về hình thức cho vay tiền qua ứng dụng này trên điện thoại di động. Khách có nhu cầu vay phải cung cấp thông tin, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại người thân. Cty sẽ thẩm định nếu đủ điều kiện sẽ giải ngân và chuyển tiền vào tài khoản. Số tiền cho vay khoảng 1,2 triệu đến 4 triệu đồng trong 6 ngày, lãi suất mỗi ngày là 4% tương đương 1.460%/năm.
Bộ Công an đã đưa ra nhận định: Ngoài hoạt động cho vay nặng lãi truyền thống, hoạt động cho vay trực tuyến là một trong những thủ đoạn mới xuất hiện trong hoạt động “tín dụng đen” hiện nay. Các đối tượng trong đó có cả đối tượng nước ngoài sử dụng các Website, ứng dụng điện thoại di động để tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính đến người dân với thủ tục đơn giản, người vay tiền cần cung cấp ảnh, CMND/CCCD hoặc giấy phép lái xe và sổ hộ khẩu với số tài khoản ngân hàng.
“Số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của người vay. Các đối tượng quy định biến tướng về lãi suất bằng cách thu các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả tiền lãi và phí có thể lên tới 1.400%/năm”- theo Bộ Công an.
Núp bóng các hoạt động tín dụng khác để lách luật
Một biến tướng của “tín dụng đen” khác cũng được ngành công an chỉ ra là trong hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending) được du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây, hiện tại đang có khoảng 100 Cty hoạt động dưới dạng vay ngang hàng.
Theo Bộ Công an, có Cty hoạt động cho vay ngang hàng sau 3 năm hoạt động đã có 14.000 tổ chức, cá nhân tham gia với vai trò là bên cho vay, 1,5 triệu cá nhân tham gia với vai trò là người đi vay. Việc thống kê số lượng Cty hoạt động trong lĩnh vực này rất khó chính xác, vì các Cty đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có kinh doanh dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự nhận là Cty cho vay ngang hàng.
“Các Cty này hoạt động không đúng với bản chất của hoạt động vay ngang hàng là trung gian kết nối giữa người có nhu cầu vay với người có nhu cầu vay (không tham gia vào mối quan hệ vay nợ)”- Báo cáo cho biết.
Theo đó, các Cty này cấu kết với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính bán các dữ liệu, thông tin cá nhân của những người vay để quảng cáo, môi giới, tiếp thị theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống hoặc chính xác chủ sở hữu Cty này đồng thời vừa là chủ cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính để cho vay các khách hàng có nhu cầu vay khi truy cập vào website ứng dụng cho vay ngang hàng.
“Một số ứng dụng cho vay ngang hàng ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định pháp luật để quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi các Cty này phần lớn là do người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) điều hành, đặt máy chủ ở Việt Nam nên khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát rủi ro về an ninh mạng, an toàn thông tin”- Bộ Công an cảnh báo.
Một hình thức biến tướng nữa mà Bộ Công an đưa ra cảnh báo là hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức huy động vốn đa cấp tài chính, chơi tiền ảo. Bộ này xác nhận đã xảy ra nhiều vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra đa dạng, nhiều vụ án các đối tượng sử dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền đặc biệt lớn như vụ án xảy ra tại Cty Địa ốc Alibaba, Cty Angel Lina.
Một số đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam cấu kết với một số đối tượng trong nước dùng thủ đoạn thành lập văn phòng “ma” mạo danh đại diện tập đoàn tài chính nước ngoài, đưa ra các gói đầu tư tài chính lãi suất cao để lôi kéo người dân. Sau khi thu được một khoản tiền lớn, các đối tượng nước ngoài chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn về nước.
Bộ Công an đánh giá, nhiều vụ huy động vốn với lãi suất cao dưới các hình thức chơi hụi, họ, đa cấp tài chính, tiền ảo… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho hàng nghìn người dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.