Cảnh giác với “chiêu trò” nâng giá thật cao rồi khuyến mại

(PLVN) - Nâng giá thật cao rồi hạ xuống, giảm giá đặc biệt với lý do “chỉ còn vài suất” là chiêu trò của một số người kinh doanh dự án, sản phẩm trong nhiều lĩnh vực. Cách làm này không những khiến người tiêu dùng cảm thấy phản cảm, mà nhiều trường hợp còn đi kèm hành vi lừa đảo.
Khi cho con đi học kỹ năng sống, nhiều phụ huynh cảm thấy mình như bị “lừa” về cả chất lượng lẫn cách thức tiếp cận. (Ảnh minh họa)

Khóa học giảm giá phần nửa

Mới đây, một phụ huynh kể câu chuyện gây khó chịu khi đưa con đi tham gia một dự án về giáo dục. Chị Trương P.L., sống tại TP HCM chia sẻ, chị thấy quảng cáo của một Trung tâm đào tạo có tên “thiếu niên siêu đẳng” tổ chức lớp học kĩ năng 1 ngày  nhằm giúp trẻ thay đổi tính khí, bước qua “ương bướng tuổi thiếu niên” với giá học thử 99 ngàn nên đăng kí tham gia.

Sau khi đến tham gia khóa học, điền mọi thông tin, chị L. được tư vấn đăng kí khóa học trọn gói bao gồm 1 khóa chuyên sâu 2 ngày + 3 buổi và 1 trại hè 4 ngày 3 đêm. Ngoài ra còn thêm gói huấn luyện viên 1 kèm 1 trong suốt một năm tiếp theo đó để duy trì sự chuyển hóa. Giá được tư vấn viên đưa ra là 10 triệu cho khóa học chuyên sâu và 17,5 triệu cho khóa trại hè. 

Khi chị L. cho biết số tiền trên quá cao, bản thân không đủ khả năng, nhân viên tư vấn lập tức gặng hỏi “khả năng thực sự” của chị và được chị L. cho biết chỉ có khả năng đóng một nửa tiền, phía trung tâm lập tức hạ giá xuống để “ưu đãi riêng” cho chị nếu mua cả hai gói nói trên. Lúc này, nhiều phụ huynh khác như chị L. thấy giá quá ưu đãi đã đăng kí tham gia.

Khi chị L. còn chần chừ suy nghĩ thì sau đó, Trung tâm này tiếp tục giảm giá để chị đăng kí với điều kiện “chỉ tới trưa là hết hạn”. Kết quả cuối cùng, trước khi chị ra về, phía Trung tâm đã đề nghị giảm giá còn… hơn 5 triệu đồng cho gói chuyên sâu, cộng với khuyến mãi kèm gói sinh trắc vân tay trị giá hơn 6 triệu đồng nữa, nghĩa là còn chỉ chưa đầy 1/2 so với mức giá đưa ra ban đầu. Chị L. sau đó không đăng kí khóa học vì có cảm giác phản cảm với cách làm này?

Cách thức như chị L. phản ánh, theo nhiều phụ huynh không chỉ gặp ở trung tâm đào tạo nói trên mà nhiều trung tâm, khóa học kĩ năng cho trẻ cũng áp dụng. Không biết là giá đã bị nâng lên rồi hạ xuống từ từ, hay các cơ sở bán hàng theo kiểu “vơ bèo vạt tép”, nhưng quả thật, nếu khóa học giá trị chưa đến 5 triệu đồng lại được bán với giá 10 triệu đồng khiến nhiều phụ huynh cảm thấy như bị “lừa”.

Khách hàng dễ bị “móc túi”

Cách làm của những trung tâm chuyên đào tạo theo hình thức phản ánh trên làm nhiều người nhớ lại cách thức của một số tổ chức kinh doanh mang tiếng “lừa đảo” trước đây. Còn nhớ vụ tai tiếng của Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (còn gọi là Alma) bán sản phẩm “sở hữu kì nghỉ” Khánh Hòa, trong khi cam kết 1 năm động thổ, tiền dự án đã thu nhiều năm nhưng dự án vẫn nằm trên giấy.

Trước đó, tại những buổi mở bán, Alma cũng áp dụng chiêu thức “giảm giá đặc biệt trong ngày”. Đơn vị này bị cho là báo giá thật cao, sau đó giảm dần từ từ để hối thúc, ép khách hàng mua trong ngày với mức giảm lên đến hàng trăm triệu đồng khiến nhiều người sập bẫy, vay mượn để mua ngay lập tức, cuối cùng phải mang nợ…

Một thương hiệu mỹ phẩm khác thời gian trước liên tục bị khách hàng tố lừa đảo cũng có hình thức tương tự: Mời khách hàng đến dùng thử dịch vụ hoàn toàn miễn phí, sau đó đưa sản phảm ra nài ép, dụ dỗ khách hàng với mức giá ban đầu đưa ra trên trời và khi khách trả “cỡ nào cũng dính”. Thậm chí, nếu khách không trả tiền cửa hàng mỹ phẩm này còn sẵn sàng hỗ trợ liên kết cho vay. Kết quả là hàng trăm người “ôm nợ” để mang về nhà những món hàng không đúng với giá trị.

Đưa giá thật cao rồi lựa thái độ và “túi tiền” của khách hàng để giảm xuống từ từ nhằm mục đích “móc túi” khách hàng bằng mọi cách, đó là cách làm của những người kinh doanh không đàng hoàng, rất tiếc là cách làm này lại khá hiệu quả vì trên thực tế đã không ít khách hàng sập bẫy. 

Đọc thêm