Cảnh sát giao thông quyết liệt vào cuộc chống ùn tắc

(PLO) - Tại TP.HCM, sau những trận mưa lớn, bên cạnh nguy cơ ngập lụt là hiện tượng ùn ứ, kẹt xe, ách tắc giao thông kéo dài nhiều giờ. Để ứng phó với tình trạng này, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM đã quyết liệt triển khai nhiều phương án để chống ùn tắc.  
Giao thông TP.Hồ Chí Minh hay bị ùn tắc cục bộ khi trời mưa
Đội mưa điều hòa giao thông
Những năm gần đây, mật độ phương tiện thành phố (TP) tăng đáng kể, lượng phương tiện đăng ký mới tại TP.HCM tăng rất cao. Trung bình một ngày, TP tiếp nhận đăng ký mới đối với xe ô tô là gần 100 xe, xe mô tô, gắn máy là khoảng 1.000 xe. 
Liên tiếp trong một năm như vậy, tổng số phương tiện toàn TP trên 7 triệu phương tiện. Chưa kể các phương tiện của tỉnh, thành khác ra vào TP, cùng với dân số và dân nhập cư khoảng 10 triệu dân, bằng ấy người và phương tiện lưu thông không tránh khỏi liên tục kẹt xe vào giờ cao điểm. 
Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, bên cạnh sự quá tải của số lượng phương tiện, một yếu tố trực tiếp gây ùn ứ giao thông từ 30 phút trở lên “bất khả kháng” là yếu tố thời tiết, đặc biệt từ tháng 9/2015 trở lại đây, sự ảnh hưởng và tác động mạnh của những cơn mưa kéo dài gây ra tình trạng ngập úng sâu trong TP. 
Trước thực trạng đó, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM đã phối hợp với nhiều lực lượng bố trí dày đặc lực lượng ở các tuyến đường, tăng cường xử phạt, ngoài việc tuần tra, kiểm soát để quán xuyến tuần tra trên đường, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, đặc biệt là tập trung vào các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông…
Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát vị trí, khu vực, tuyến đường, xây dựng phương án bố trí lực lượng trực tiếp xuống đường điều hòa giao thông khi trời mưa. Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết, khi trời mưa và xảy ra sự cố ùn ứ giao thông tại khu vực thì CSGT phải trực tiếp xuống đường để thực hiện nhiệm vụ điều hòa giao thông, trang bị đầy đủ các trang bị về áo mưa cũng như các thiết bị cần thiết khác để lực lượng CSGT hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ của mình.
“Có trường hợp người dân bức xúc tại sao khu vực này xảy ra ùn ứ giao thông nhưng không thấy lực lượng chức năng. Tuy nhiên, người dân không hiểu rằng, khi chúng tôi triển khai phương án giải tỏa ùn tắc giao thông tại điểm nút thì chúng tôi có phương án cụ thể từ việc cấm đường và chặn dòng, chặn từ các tuyến đường ngoài để hạn chế lượng phương tiện, không cho đi vào tuyến đường ùn ứ. Chúng tôi bố trí lực lượng giải tỏa các đường nhánh, để có thể mở đường cho người dân thoát ra khỏi đây…” - Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết.
Đầu tư hoàn thiện dần hạ tầng giao thông 
Từ năm 2011 đến nay, TP.HCM cũng đã triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm. Còn một số công trình khác chưa hoàn thành do khó khăn về nguồn vốn, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng. Đối với các công trình trọng điểm, TP ưu tiên bố trí nguồn vốn lớn 38.900 tỷ đồng để đầu tư xây dựng. Trong đó, chưa kể các nguồn vốn ODA và các nguồn tài chính huy động khác, đồng thời phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm do Bộ quản lý. 
TP.HCM cũng đã đưa vào khai thác trên 25km đường và 65 cây cầu. Trong đó, có khoảng 27 công trình giao thông trọng điểm đã góp phần vào việc giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, tạo vẻ mỹ quan cho đô thị, xây dựng một số cầu mới; cải tạo mặt bờ Bắc, bờ Nam trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, cầu Suối Cái trên xa lộ Hà Nội và cải thiện 3 nút giao ở xa lộ Hà Nội và 6 cầu vượt thép tại các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.
Hy vọng với các giải pháp có tính đồng bộ và sự quyết liệt thực hiện để “sẵn sàng tiếp đón ông trời” của lực lượng CSGT TP sẽ giúp giảm nhanh hiện tượng kẹt xe, ùn ứ gây bất tiện cho người dân. 

Đọc thêm