“Cánh tay nối dài” của ngân hàng giúp Huổi Hỏm thoát đói nghèo

(PLO) - “Tôi xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng chính quyền tại địa phương. Bởi vì, có giảm được nghèo bền vững, kinh tế từng hộ gia đình ổn định và phát triển thì mới có sự đóng góp cho xã hội, đó là yếu tố quan trọng cho sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư và đẩy lùi các tệ nạn xã hội”, chị Cà Thị Nghĩa, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Huổi Hỏm (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên), tâm sự.
Tổ trưởng Tổ TKVV Cà Thị Nghĩa (ngoài cùng, bên trái) đến Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã nộp lãi và tiết kiệm cho tổ viên
Tổ trưởng Tổ TKVV Cà Thị Nghĩa (ngoài cùng, bên trái) đến Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã nộp lãi và tiết kiệm cho tổ viên

Bản Huổi Hỏm là bản đặc biệt khó khăn thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. 100% hộ dân sống bằng nghề nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm 2010 trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo gần 80% nên việc đầu tư vốn cho phát triển sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Từ khi Đảng và Nhà nước có chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay thông qua NHCSXH cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, cuộc sống của bà con trong thôn dần dần có sự thay đổi kể từ khi được vay vốn phát triển kinh tế. Hơn 10 năm nay giữa “rốn nghèo” đó luôn có một Tổ trưởng hết lòng vì hội viên nghèo.

Chị Cà Thị Nghĩa (Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Huổi Hỏm), nhớ lại, năm 2004, chị được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chị nghĩ mình vốn là một nông dân chân lấm tay bùn, chỉ thành thạo việc đồng áng, chưa bao giờ nghĩ đến việc tính toán lỗ, lãi với những con số.

Lo lắng về trách nhiệm là vậy, nhưng làm thế nào để bà con trong thôn khi nhận được đồng vốn về phát triển có lãi, không bị xâm tiêu, nợ quá hạn, ảnh hưởng đến tổ vay vốn, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng là điều làm chị lo lắng hơn cả. 

Vì vậy, từ ngày được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng, đến nay đã 12 năm chị Nghĩa có mặt đầy đủ các đợt tập huấn. Theo hướng dẫn của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Mường Ảng, chị luôn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác quản lý tổ, tổ viên vay vốn.

Hàng tháng chị tham gia đầy đủ cuộc họp giao ban với tổ giao dịch của NHCSXH huyện tại trụ sở UBND xã, bám sát chỉ tiêu nguồn vốn được UBND xã phân bổ cho bản, để tổ chức họp, bình xét cho vay một cách công khai; hướng dẫn người vay lập hồ sơ vay vốn, nhận tiền vay và sử dụng vốn đúng theo mục đích xin vay. 

Chia sẻ về kinh nghiệm trong quản lý nguồn vốn vay ưu đãi, chị Nghĩa cho biết: Xã Ẳng Tở nói chung, bản Huổi Hỏm nói riêng, hầu hết là các hộ nghèo “thâm niên”, trong quá trình bình xét cho vay để tránh sự so bì, Tổ trưởng luôn tôn trọng ý kiến của các thành viên, đồng thời phân tích để các hộ hiểu được những trường hợp, những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nào cần ưu tiên, tạo điều kiện cho vay trước hoặc với mức cao. 

Khi đã được vay vốn, không bỏ mặc thành viên trong tổ tự tìm hướng đi cho mình, Tổ trưởng thường xuyên bám sát, gần gũi, động viên tổ viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học ký thuật vào sản xuất, định hướng cho chị em những mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Huổi Hỏm đang có 60 thành viên tham gia sinh hoạt với tổng dư nợ đạt hơn 1,6 tỷ đồng, trên 70% hộ gia đình trong bản được vay vốn chính sách với mức vay bình quân trên 26 triệu đồng/hộ, thuộc các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, HSSV... Không có tổ viên nào để tồn lãi và nợ quá hạn. 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang, có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt, tổ viên Cà Thị Thương phấn khởi nói: “Vốn là hộ nghèo lâu năm của địa phương, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, nhưng nhờ được chị em trong Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng Tổ trưởng Nghĩa tận tình, tuyên truyền, hướng dẫn vay vốn, sử dụng đầu tư đúng hướng nên gia đình tôi phát triển chăn nuôi hiệu quả, có thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo”.

Được biết, năm 2011, gia đình chị Thương đã được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo để chăn nuôi bò. Chăn nuôi hiệu quả nên năm 2014, sau khi bán bê, gia đình chị đã trả được hết nợ gốc và tiếp tục được ngân hàng vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để mở rộng chăn nuôi. Hiện, tài sản của gia đình Thương có 3 con bò sinh sản, 1 con lợn nái. 

Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn tổ viên vay vốn, Tổ trưởng Nghĩa dành thời gian vận động các tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm. Theo quy ước của tổ, mỗi tổ viên tự nguyện gửi tiết kiệm với mức bình quân 20.000 đồng/hộ/tháng. Ở bản Huổi Hỏm nhiều năm nay 100% tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiết kiệm với số dư tiền gửi tiết kiệm đến nay là 42 triệu đồng. “Số tiền gửi tuy không nhiều, nhưng “năng nhặt thì chặt bị”. Và, cái được lớn hơn gây cho mọi người ý thức tiết kiệm, đặc biệt đối với chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số”, chị Nghĩa khẳng định.

Đánh giá về Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Huổi Hỏm, Giám đốc NHCSXH huyện Mường Ảng nhận xét: “Gần 12 năm đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn, chị Cà Thị Nghĩa cũng luôn tích cực, nhiệt tình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân yêu mến, tín nhiệm. Nhiều gia đình được chị Nghĩa giới thiệu vay vốn NHCSXH nay đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống”. 

Vẫn lời vị Giám đốc: “Chỉ tính 5 năm gần đây (2011 - 2015), Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Huổi Hỏm được NHCSXH cho vay trên 80 lượt hộ, với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Trong đó có 25 hộ vay vốn thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá, không những hoàn trả được nợ cho NHCSXH mà còn tạo được nguồn vốn tái đầu tư sản xuất. Có 5 cháu HSSV vay vốn phục vụ học tập, đã tốt nghiệp ra trường, xin được việc làm ở các cơ quan của huyện và UBND xã, có điều kiện phụ giúp bố mẹ trả nợ tiền vay NHCSXH trên 120 triệu đồng... Qua đó, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương...”.

Đọc thêm