Cao ốc Phú Thọ - Thuận Việt: Hiểm nguy rình rập cư dân

(PLO) - Cho rằng thiếu minh bạch trong ký kết hợp đồng với đơn vị bảo trì khiến cư dân phải leo bộ lên nhà do thang máy bị hỏng, trong khi các lối cầu thang bộ thoát hiểm lại bị khóa nên cư dân nơi đây đã bức xúc khiếu kiện.
Ông Hải bên chiếc thẻ từ mà một số cư dân phải mua 100.000/chiếc
Ông Hải bên chiếc thẻ từ mà một số cư dân phải mua 100.000/chiếc

Từ chối miễn phí, thích chi tiền

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng từ tháng 10/2015, nhiều cư dân ở cao ốc Phú Thọ - Thuận Việt (phường 15, quận 11, TPHCM) bức xúc việc Ban quản trị (BQT) mà đứng đầu là bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Trưởng ban) nhiều tháng không công khai, không thực hiện đúng nguyên tắc về quản lý tài chính theo quy chế của BQT và không thực hiện các quyết định của Hội nghị cư dân. 

Theo bà Mai (đang sử dụng 2 căn hộ ở Block B và D), BQT đã không vì lợi ích của cư dân, điển hình là chuyện bảo trì thang máy. Tháng 8/2015, khi hợp đồng bảo trì được ký kết giữa BQT nhiệm kỳ trước với Cty TNHH Thang máy Ngôi sao Mitsu (đơn vị bảo trì thang máy cho cao ốc) hết hạn, bà Ngân đã không gia hạn hợp đồng khiến thang máy không được bảo trì. Khi thang máy gặp sự cố, bà Ngân tự ý mời Cty “N” vào khảo sát rồi lập hợp đồng sửa chữa “thay mới thiết bị vật tư là bộ phát tốc động cơ” hết hơn 20 triệu đồng. 

Điều đáng nói là ngay hôm sau, Cty thang máy Ngôi sao Mitsu vào khảo sát và có văn bản trả lời: “Bo mạch chính và bộ phát tốc động cơ không bị hư nên không cần thay... Cty Ngôi sao Mitsu cam kết khắc phục được sự cố và không tính phí”.  Vậy nhưng không hiểu sao bà Ngân một mực phản đối đề nghị của Cty Ngôi sao Mitsu, nhiều lần yêu cầu bảo vệ không cho nhân viên Cty này vào khảo sát cũng như sửa chữa thang máy.

Sự việc kéo dài nhiều ngày, người dân gửi đơn kêu cứu và đa số thành viên trong BQT đã phải nhờ Cty Ngôi sao Mitsu vào sửa (miễn phí) thì thang máy mới vận hành trở lại. Sự việc tương tự còn lặp lại tại khu nhà A khi bà Ngân không cho Cty Ngôi sao Mitsu vào sửa chữa theo đề nghị của đa số thành viên BQT lẫn cư dân.

Khi hợp đồng giữa BQT với đơn vị bảo trì thang máy mới có hiệu lực, đơn vị này không hiểu kém năng lực hay vì lý do gì mà thang máy liên tục gặp sự cố phải dừng hoạt động hàng chục ngày. Thậm chí khu nhà A cả 2 thang máy ngừng hoạt động khiến người dân bở hơi tai leo bộ lên đến tầng 9 – 10.

Một số thành viên BQT cho biết, bà Ngân với tư cách là Trưởng ban đã vi phạm qui chế đấu thầu, không tiếp thu ý kiến thành viên, lựa chọn đơn vị thiếu năng lực hậu quả là chi nhiều tiền hơn nhưng thang máy vẫn liên tục hư hỏng. 

Bịt đường thoát hiểm của cư dân

Bên cạnh việc ký hợp đồng bảo trì thang máy có vấn đề như trên, BQT còn xem thường tính mạng người dân khi hệ thống báo cháy cao ốc hư hỏng, Trưởng ban tiến hành đại tu đã không nghe góp ý của thành viên, không kiểm định chất lượng vật tư… dẫn đến chi nhiều tiền (300 triệu đồng) nhưng chất lượng kém tin cậy khi hệ thống nhiều lần báo nhầm khiến cư dân hoảng loạn, bất an.

Bà Mai cho biết, hệ thống báo cháy trước đây có cả báo nhiệt và báo khói, nhưng ở căn hộ của bà khi được lắp sửa lại thì bị thay tất cả bằng đầu báo nhiệt, kém an toàn vì nguy hiểm từ hỏa hoạn trước hết là ngạt khói. 

Nghiêm trọng hơn, ông Nguyễn Văn Hải (thành viên BQT) cho biết, Trưởng ban đã tự ý khóa 8 cầu thang bộ thoát hiểm xuống tầng hầm, sau đó ký hợp đồng với đơn vị lắp đặt hệ thống quẹt thẻ từ tại cửa thang máy 2 tầng hầm khiến ai muốn đi từ tầng hầm để xe lên căn hộ đều phải qua thang máy quẹt thẻ. 

Oái oăm là mỗi hộ chỉ được phát 2 thẻ, hộ nào đông người thì phải mua thêm với giá 100.000 đồng/thẻ. Khi ông Hải chất vấn thì được giải thích đơn vị bán thẻ sẽ trích lại từ 20-40% để lập quỹ khuyến học. Tuy nhiên, đến nay không ai biết số thẻ đã bán được bao nhiêu, số tiền được trích lại là bao nhiêu và quỹ kia do ai quản lý, được sử dụng ra sao? 

Nhiều người bức xúc cho rằng lối thoát hiểm theo qui định phải luôn mở để đảm bảo người dân có thể thoát ra ngoài một cách nhanh nhất nếu xảy ra sự cố cháy nổ. Việc lắp thẻ từ chẳng may khi bị cháy, hệ thống điện bị cắt thì làm sao ra khỏi hầm. Tuy nhiên mọi thắc mắc đều không được giải đáp.

Chỉ đến khi Phòng Cảnh sát PCCC quận 11 kiểm tra và yêu cầu thì Trưởng BQT mới cho mở lại 8 cửa thang bộ thoát hiểm tại tầng hầm xe. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả hệ thống hộp quẹt thẻ từ lắp tại cửa thang máy tại tầng hầm đều vô ích, ngoài “tác dụng” duy nhất là khiến cư dân nếu không mang thẻ thì phải... đi bộ lên tầng trên và nhất là “phải bỏ thêm tiền mua thẻ”. 

Đọc thêm