Cấp dưỡng nuôi con: Có luật vẫn khó đòi

(PLVN) -  Mặc dù đã có quyết định từ tòa án về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, nhiều người đàn ông vẫn tìm cách lẩn tránh, để lại nỗi vất vả nhọc nhằn về tài chính, tinh thần cho vợ cũ gánh chịu.
Ảnh minh họa

Những người cha “trốn” nghĩa vụ

Kết hôn, chung sống với nhau được 6 năm, có một con trai 4 tuổi thì chị Lê Nguyệt H (TP HCM) và anh Phan Trung D (TP HCM) ra toà ly hôn. Căn cứ vào tình trạng tài chính hai bên, toà tuyên anh D phải cấp dưỡng cho con mỗi tháng 4 triệu đồng để đảm bảo việc nuôi con được ổn định.

Thời gian đầu sau ly hôn, anh D chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, sau 6 tháng, anh D bắt đầu “quên” nghĩa vụ của mình. Chị H phải liên tục nhắc nhở, nhưng thời gian anh gửi tiền cho vợ cũ càng ngày càng bị kéo dài, có khi 1,5 tháng, 2 tháng anh mới gửi. Anh D lấy cớ là công việc hiện nay khó khăn, tài chính không còn như trước và mong vợ cũ thông cảm.

Tuy nhiên, theo chị H được biết, do chồng cũ có bạn gái mới, mức chi tiêu nhiều hơn và do nhiều lý do khác nên anh cảm thấy “tiếc” số tiền cấp dưỡng mỗi tháng cho con. Sau đó, tiền cấp dưỡng cũng ngày một ít đi. Đến khi anh D lập gia đình mới, có con thì khoản cấp dưỡng cũng không được gửi nữa. Sau nhiều lần đòi mà không được đáp ứng, chị H quá mỏi mệt nên đành chấp nhận bỏ luôn.

Anh D sau đó hầu như không liên lạc với vợ cũ cũng như không mấy khi đến thăm nom con gái. Chị H cho biết dù không có số tiền ấy thì chị vẫn không nề hà, mặc dù chị vất vả hơn nhiều khi mức lương không cao, phải làm thêm kiếm tiền lo cho con. Chỉ tiếc là chồng cũ đã chọn từ bỏ trách nhiệm, cũng từ bỏ luôn tình thương với đứa con ruột và từng thương yêu, khiến con gái chị rất buồn, nhớ ba.

Trường hợp của chồng cũ chị H chỉ là một trong rất nhiều trường hợp “trốn” cấp dưỡng sau ly hôn, chủ yếu từ phía những người cha. Thông qua các toạ đàm gia đình, các diễn đàn trên mạng xã hội có thể bắt gặp nhiều cách “trốn” cấp dưỡng cho con của những người đàn ông sau ly hôn. Có người rời khỏi nơi cư trú, vợ cũ và con không cách nào liên lạc được. Có người thì nại cớ công ăn việc làm không ổn định, chưa đủ tài chính để chu cấp cho con. Có người thì khất từ tháng này sang tháng khác cho đến lúc con khôn lớn.

Hành trình đi “đòi” trợ cấp nuôi con của những người vợ cũ luôn là những hành trình dai dẳng, mệt mỏi, tủi hờn vì sự lảng tránh, vô trách nhiệm của người đáng ra phải có trách nhiệm. Như một người mẹ đơn thân nuôi con hậu ly hôn chia sẻ “vui” trên một diễn đàn: muốn đòi được quyền lợi cho con từ đức ông chồng cũ thì phải “mặt dày”, bỏ qua mọi sĩ diện và “chuyên nghiệp” như một kẻ đòi nợ thuê. Chút tự trào cay đắng ấy để thấy rằng, chuyện “trốn” cấp dưỡng là một thực trạng đáng buồn vẫn tồn tại trong đời sống hậu ly hôn.

Gian nan hành trình đòi quyền cấp dưỡng

Không phải người phụ nữ nào cũng có đủ kiên trì để đeo đuổi đến cùng việc đòi quyền cấp dưỡng cho con từ chồng cũ. Nếu gặp phải những trường hợp chây ì, thậm chí phủi trách nhiệm, người phụ nữ có khi cũng phải bất lực.

Cách đây vài năm, tại Ba Tri, Bến Tre, có trường hợp chị O kiện chồng cũ ra toà vì “trốn” cấp dưỡng cho con. Sau ly hôn, mặc dù có phán quyết từ toà nhưng suốt 2 năm trời người chồng cũ vẫn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Chị O nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu, cực chẳng đã phải kiện chồng cũ ra toà, yêu cầu thực hiện việc chu cấp cho con mỗi tháng 1 triệu đồng cho đến lúc cháu 18 tuổi. Tại toà, người chồng cũ đưa nhiều lý do, phân trần mình khó khăn, muốn cũng không cấp dưỡng được. Sau nhiều lần “kì kèo”, cuối cùng anh chồng cũ chấp nhận mức cấp dưỡng 800 ngàn đồng/ tháng theo đề nghị của chị O.

Thực tế, nhiều trường hợp người chồng cũ đủ đầy cơ sở vật chất, thậm chí giàu có nhưng vẫn “trốn” nghĩa vụ cấp dưỡng cho con với nhiều lý do. Ngay cả trong giới giải trí Việt, không ít “sao” đã phải lên mạng than phiền về chồng cũ, cũng là người nổi tiếng, chỉ đảo qua chụp hình với con đăng lên mạng, còn nghĩa vụ chu cấp cho con thì lúc có, lúc không, hoặc không thực hiện.

Theo quy định pháp luật, người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ, không cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định có thể bị xử phạt hành chính từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5-10 triệu đồng khi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn. Bộ luật Hình sự cũng quy định hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

Luật định là thế, nhưng trong thực tế không có mấy trường hợp vợ cũ đưa chồng ra toà vì trốn cấp dưỡng như chị O nói trên. Đa phần những người phụ nữ chỉ chọn cách “xả bức xúc” trên mạng xã hội hoặc ngậm đắng nuốt cay, tự thay phần người cha gồng gánh chăm lo cho con.

Đọc thêm