Cắt ghép ảnh, video để thông tin sai sự thật về người khác: Nguy cơ chịu án tù khi gây hậu quả nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo quy định, người cắt ghép hình ảnh, video của người khác đưa lên mạng xã hội nhằm thông tin sai sự thật, bôi xấu người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải đền bù tổn thất về vật chất, tinh thần cho nạn nhân.
Công an Thanh Hóa xử lý đối tượng cắt ghép clip, lồng ghép âm thanh sai sự thật để đăng tải lên mạng xã hội.
Công an Thanh Hóa xử lý đối tượng cắt ghép clip, lồng ghép âm thanh sai sự thật để đăng tải lên mạng xã hội.

Cuộc sống xáo trộn vì bị cắt ghép ảnh, video đưa lên mạng xã hội

Như thông tin Báo PLVN đã phản ánh, vừa qua, một số trang mạng xã hội lấy hình ảnh của một nữ đoàn viên ở Quảng Bình rồi cắt ghép, coi đây là nhân vật chính liên quan đến một vụ tai nạn xảy ra tại chung cư Tiến Bộ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Những ngày sau đó, mạng xã hội tiếp tục xuất hiện một video clip về nữ đoàn viên V. mặc áo đoàn đang trình diễn văn nghệ chào mừng Đại hội Đoàn một xã tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Lập tức video này được chia sẻ, bình luận rầm rộ trên các Fanpage. Một số tài khoản cắt ghép hình ảnh từ video này và gắn cho nữ đoàn viên V. là người phụ nữ trong vụ việc xảy ra tại chung cư.

Chia sẻ với báo chí, nữ đoàn viên tên V. cho biết, video chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội cuối tháng 4/2022 này được chị đăng trên tài khoản Tik Tok cá nhân cho vui. Nhưng không hiểu sao vừa qua, video này được cắt ghép đưa lên mạng xã hội. Một số người dùng còn bình luận, chia sẻ rồi dùng những từ ngữ thô tục, ác ý khiến cuộc sống của V bị xáo trộn.

Ông Trương Minh Tuấn, Bí thư Huyện đoàn Quảng Trạch cho biết, sau khi phát hiện sự việc bị gán ghép hình ảnh không đúng sự thật về đoàn viên, Huyện đoàn đã huy động lực lượng đoàn viên trong huyện vào các trang Facebook đề nghị gỡ thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, sau đó lại xuất hiện các trang MXH khác tiếp tục đưa video và hình ảnh em V. lên để “câu view”, đồng thời khẳng định đây là hình ảnh người phụ nữ trong vụ việc xảy ra ở chung cư Tiến Bộ.

Huyện đoàn Quảng Trạch đã báo cáo sự việc gửi Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn đề nghị hỗ trợ xử lý thông tin các trang mạng đăng không đúng sự thật. Đồng thời Huyện đoàn đang xem xét, nhờ Công an huyện “vào cuộc” để điều tra, làm rõ, sớm trả lại sự trong sạch cho nữ đoàn viên.

Video đăng lên khoảng 9 ngày đã thu hút hàng trăm lượt bình phẩm, chia sẻ thông tin hình ảnh sai sự thật đã làm ảnh hưởng đến nhân phẩm cũng như danh dự của đoàn viên V.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.

Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Cty Luật TNHH Trường Lộc - cho biết: quyền cá nhân đối với hình ảnh của mình được pháp luật quy định tại Điều 32 BLDS. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân nào đó phải được người đó đồng ý, trừ các trường hợp theo quy định với điều kiện không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Do đó, người bị người khác sử dụng hình ảnh của mình khi chưa được mình đồng ý, hoặc sử dụng hình ảnh của mình làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật, gửi đơn tố cáo lên Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;

Về hình thức xử lý, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hành vi cắt ghép hình ảnh, video đưa lên mạng xã hội, bôi xấu người khác được xử lý theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để thu lợi bất chính hoặc với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì đối tượng vi phạm có thể bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” được quy định tại Điều 288 BLHS năm 2015.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn.

Dưới góc độ khác, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trong trường hợp người sử dụng hình ảnh, video của người khác cắt, ghép thành hình ảnh, thông tin sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh vu khống quy định tại Điều 156 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng (Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát) hoặc phạm tội “vì động cơ đê hèn: thì đối tượng có thể chịu mức phạt cao nhất đến 07 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài việc bị xử lý về mặt hình sự thì đối tượng còn bị buộc phải đền bù những tổn thất về vật chất, tinh thần cho bị hại do hành vi phạm tội của mình đã trực tiếp gây ra.

Đọc thêm